Gửi lời chào thân thiện đến du khách
Không phải ngẫu nhiên khi nói Yên Bái là nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc, nhất là khi tiết trời vào mùa thu. Ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, những thửa ruộng bậc thang đồi mâm xôi La Pán Tẩn ở Mù Cang Chải được ví như những “cung đàn trời” duyên dáng và yểu điệu đã được khoác lên mình tấm áo vàng rực rỡ, tỏa hương lúa mới thơm ngát giữa núi rừng hùng vĩ.
Với cảnh đẹp say đắm lòng người, năm 2007, ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn cùng với Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Danh thắng cấp quốc gia. Đây được coi là cơ sở tiền đề quan trọng để người dân xã La Pán Tẩn khai thác những tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên.
Vượt con đường mòn dốc dựng đứng độc đạo dẫn lên đỉnh đồi cao chót vót thăm vợ chồng Vàng Thị Lỳ và Giàng A Dê - chủ nhân homestay “Hello Mù Cang Chải”. Lúc chúng tôi đến, bắt gặp những tốp khách quốc tế đang làm thủ tục nhận phòng nghỉ. Cả Lỳ và Dê đều nói tiếng Anh vô cùng thuần thục. Đó là thành quả sau quá trình đôi vợ chồng kiên trì áp dụng “chính sách” nếu khách du lịch dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng.
Anh Giàng A Dê kể, hành trình khởi nghiệp homestay đầy khó khăn, ngoài tiền bạc ra, thách thức lớn còn ở ngôn ngữ giao tiếp. Khách nước ngoài về với Mù Cang Chải ngày một đông cho nên để giao tiếp được với họ là điều rất quan trọng quyết định sự thành, bại của "Hello Mù Cang Chải". Nhận thức rõ điều này, vợ chồng anh đã bàn bạc với nhau và đi đến thống nhất, anh ở nhà sắp xếp công việc của "Hello Mù Cang Chải", còn chị ngược lên thị xã Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng với mục đích chính là học bằng được tiếng Anh. Sau gần 6 tháng, chị Vàng Thị Lỳ đã có vốn giao tiếp tiếng Anh cơ bản…
Với sức trẻ và sự đồng hành của chính chính quyền địa phương, trái ngọt đã đến với họ. Giờ đây, vào mùa lúa chín, mùa nước đổ, "Hello Mù Cang Chải" của vợ chồng anh luôn trong tình trạng “cháy phòng”, những đoàn khách cứ thế lần lượt kéo đến, trong đó có 70% - 80% là người nước ngoài. “Hello Mù Cang Chải” giờ đây không chỉ là một niềm tự hào, kiêu hãnh của chàng trai người Mông nơi cùng trời cuối đất này mà còn là sự tự hào, lời chào thân thương của vùng đất độc đáo này đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một minh chứng sống động về sự thành công của mô hình du lịch cộng đồng trên vùng đất khó 30a này.
Loại hình du lịch homestay bắt đầu “bám rễ” tại Yên Bái từ 2005 đầu tiên tại thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình) đến nay đã phát triển rộng khắp các địa phương. Nhiều cơ sở homestay hoạt động khá hiệu quả như mô hình phát triển du lịch cộng đồng và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái tại các homestay: bản Đêu (xã Nghĩa An), bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi), homestay Tông Pọng (phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ); bản Tát (xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên); Jack Ecolodge (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên); Ngòi Tu, Ngòi Cụ (huyện Yên Bình); Ao Luông, Gốc Bục (huyện Văn Chấn); bản Thái, Kim Nọi, Lìm Thái, Nậm Khắt, (huyện Mù Cang Chải)…
Đầu tư chuyên sâu, nâng cao tính chuyên nghiệp
Với cách làm bài bản thương hiệu du lịch cộng đồng của Yên Bái đã và đang được khẳng định. Ông Magagnin Claude Benjamin (Quốc tịch Pháp) đã tìm hiểu thông tin về các tuyến du lịch ở Yên Bái và chú ý đến homestay của nhà bà Hoàng Thị Loan (bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ) qua internet và mạng xã hội. Sau một chuyến bay dài, đặt chân đến với Nghĩa Lộ, ông vô cùng hào hứng với trước những bản làng du lịch bình yên hiếu khách và những món ăn đặc sản của người bản địa.
Bà Sonni Corinne Sylviexem (bạn đi cùng ông Magagnin Claude Benjamin) cũng hào hứng không kém: "Tôi như bị thôi miên vào những đôi tay dệt vải truyền thống của chính những nhân viên đón chúng tôi. Tối đến, vẫn những con người ấy, họ lại biểu diễn cho chúng tôi xem xòe Thái cùng những bài hát khắp được kết hợp với nhạc cụ dân tộc".
Việc phát triển mô hình du lịch homestay tại tỉnh Yên Bái là một trong những hướng đi quan trọng, được tỉnh ưu tiên thực hiện, góp phần phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương, là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình này chạm gần đến với triết lý “hạnh phúc” cho người dân mà Yên Bái đang theo đuổi.
Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển bền vững, có chỗ đứng và cạnh tranh được với các loại hình du lịch khác đang nở rộ, Yên Bái cần đầu tư chuyên sâu và nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác quảng bá xúc tiến các điểm đến có thế mạnh về phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm gắn với phát triển mô hình du lịch homestay trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch, đặc biệt tại khu vực có tiềm năng lớn về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; triển khai thí điểm các mô hình bản du lịch cộng đồng tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh; xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư nói chung và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng nói riêng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch… Chính quyền địa phương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng.