Năng suất lao động và những dấu hỏi

Bùi Trinh 01/12/2019 07:06

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động của nước ta thời gian qua tiếp tục cải thiện theo hướng tăng đều. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao trong khu vực ASEAN. Năng suất toàn nền kinh tế theo tính theo GDP giá hiện hành năm 2018 ước đạt 102,2 triệu đồng/lao động, trong khi năm 2010 chỉ là 44 triệu đồng/lao động. Nếu xét năng suất lao động kể cả theo số liệu GDP hiện tại thì năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn Campuchia và thua kém Lào. Đáng nói là, cách tính toán năng suất lao động của Việt Nam chưa phản ánh đúng mức về năng suất lao động.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, năng suất lao động là tỷ lệ giữa đầu ra và đầu vào là lao động. Nếu đầu ra là sản xuất hoặc tổng giá trị gia tăng thì đầu vào là tổng giờ công lao động, lực lượng lao động và số lượng lao động đang làm việc. Trong khi đó, số liệu trên website của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của các ngành kinh tế được tính bằng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản chia cho số lao động, nhưng tổng năng suất của nền kinh tế lại là GDP chia cho số lao động. Để phản ánh đúng hơn thực trạng năng suất lao động của toàn nền kinh tế thì năng suất lao động nên được tính bằng tổng giá trị tăng thêm (Gross Value added) theo giá cơ bản chia cho số lao động. Vì GDP = Tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản + thuế sản phẩm - trợ cấp sản phẩm(1).

Theo cách làm của Tổng cục Thống kê thì thuế sản phẩm cũng tạo ra năng suất lao động!? Và tính toán lại từ những số liệu công bố sẵn có trên website của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động thực tế của nền kinh tế Việt Nam còn tụt sâu hơn nữa. Chẳng hạn, Tổng cục Thống kê công bố năng suất lao động năm 2017 tính theo GDP là 93,2 triệu đồng/lao động nhưng thực tế nếu tính trên tổng giá trị tăng thêm thì chỉ là 84 triệu đồng/lao động. Năm 2018, Tổng cục Thống kê đưa ra con số 102,2 triệu đồng/lao động (vẫn tính theo GDP), nhưng nếu tính theo tổng giá trị tăng thêm chỉ là 91 triệu đồng/lao động.

Hơn nữa, khi nhìn vào năng suất lao động theo ngành có thể thấy có 4 ngành có năng suất lao động cao hơn mức bình quân chung nhiều lần. Đó là ngành khai khoáng năm 2010 có năng suất lao động cao hơn mức bình quân của toàn nền kinh tế 19,3 lần, đến năm 2017 cao hơn 22,2 lần. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt… năm 2010 năng suất lao động gấp năng suất của nền kinh tế 13 lần thì đến năm 2017 cao hơn gần 17 lần. Cũng vào thời điểm năm 2017, năng suất lao động của 2 ngành còn lại là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm lần lượt gấp 8,5 và 12,7 lần năng suất của nền kinh tế.

Cần chú ý rằng, giá trị tăng thêm theo giá cơ bản bao gồm 2 thành tố chính là thu nhập của người lao động (lương và các khoản có tính chất như lương) và thặng dư gộp (bao gồm khấu hao tài sản cố định). Hai nhóm ngành khai khoáng và sản xuất phân phối điện nước… (cơ bản  2 tập đoàn Nhà nước - Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản) có năng suất lao động cao hơn năng suất của nền kinh tế hàng chục lần là do khai thác luôn kêu lỗ rồi nâng giá bán khiến đầu vào của điện tăng lên và điện liên tục nâng giá bán. Như vậy, năng suất lao động của 2 ngành này phải chăng là do nâng giá bán và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu? Năng suất lao động của những ngành “thị trường nửa vời” tăng cao khiến năng suất chung cũng tăng lên về bản chất là không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, năm 2010, hoạt động kinh doanh bất động sản có năng suất lao động cao hơn năng suất của nền kinh tế tới 34 lần, đến năm 217 giảm xuống chỉ còn 12,7 lần. Chiều hướng này phải chăng phản ánh tình trạng do quỹ đất có hạn, những vùng đất “vàng” đã dần hết đi?

________________

1. Tuy nhiên chưa bao giờ Tổng cục Thống kê trừ khoản trợ cấp ra khỏi GDP

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Năng suất lao động và những dấu hỏi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO