Khi đi giảng tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước về vấn đề năng suất chất lượng, TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cũng là người giành giải thưởng Cá nhân Ưu tú và Xuất sắc khu vực (APO Meritorious and Distinguished Award) trong phong trào Năng suất của Tổ chức năng suất châu Á (APO) đã có những chia sẻ rất thiết thực dưới góc độ của một chuyên gia đầu ngành.
Theo TS. Hiệp, năng suất gắn liền với cuộc sống, công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Năng suất không phải là những điều khó và không thể hiểu.
Dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nói về năng suất, ông Hiệp nhấn mạnh: “Tập trung vào năng suất sẽ làm cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Đây là con đường dẫn đến sự thịnh vượng và an ninh”.
Ví dụ đơn giản với một cá nhân, nếu như bạn luôn nỗ lực hoàn thành công việc sao cho hiệu quả, chính xác, nhanh chóng và cải tiến công việc theo hướng tích cực từng ngày thì đó cũng chính là nâng cao năng suất.
Cá nhân là tế bào của tổ chức, doanh nghiệp, muốn doanh nghiệp nâng cao năng suất trước hết mỗi cá nhân phải nâng cao năng suất. Nói rộng ra, nâng cao năng suất quốc gia xuất phát từ chính những tế bào, mọi thứ logic và gắn bó “máu thịt” với nhau.
Nhưng lưu ý rằng năng suất cần được thực hiện thường xuyên, liên tục như một cuộc chạy marathon không có vạch đích, bởi sự ì ạch, ngưng trệ được xem là “kẻ thù” của năng suất.
Trong đó, để nâng cao năng suất, việc áp dụng các công cụ cải tiến như 5S, TWI, 7 lãng phí, Kaizen, QCC, TPM, MFCA, Lean, KPI; các hệ thống quản lý chất lượng như ISO, GMP, HACCP,… là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường, từ đó thúc đẩy năng suất quốc gia.
Ông Hiệp cũng chia sẻ thêm, tại nhiều quốc gia trên thế giới, giáo dục về vấn đề năng suất rất được chú trọng và bắt đầu từ những cấp học nhỏ nhất như tiểu học, trung học. Năng suất ngấm vào tư duy mỗi người dân và thể hiện qua từng hành động, trở thành văn hóa quốc gia.
Ngoài ra, tại một số doanh nghiệp nước ngoài trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người lao động sẽ được đào tạo một khóa về năng suất. Đây là những minh chứng cho thấy năng suất vốn nằm trong tầm tay và nhận thức của mỗi người.
Tại Việt Nam, việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế hiện nay, cũng là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, nhiều chương trình đào tạo năng suất cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam đã được tổ chức, với sự phối hợp của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và các điểm trường. Chuyên gia năng suất của Ủy ban trực tiếp thuyết giảng, trao đổi và làm thỏa mãn các câu hỏi của sinh viên xoay quanh vấn đề năng suất.
Bởi sinh viên là đối tượng quan trọng, cũng là lực lượng lao động “vàng” của quốc gia. Nâng cao nhận thức, tư duy của sinh viên về năng suất là bước khởi đầu quan trọng cho hành trình của mỗi người, nhằm xây dựng một xã hội phát triển và thịnh vượng.
Lẽ dĩ nhiên, để năng suất trở thành một thuật ngữ phổ biến mạnh mẽ hơn ở nước ta thì cần một khoảng thời gian đủ lâu và những nỗ lực đủ nhiều.