Nắng nóng cực đoan “thiêu đốt” kinh tế châu Âu

Như Ý 10/08/2022 06:12

Trong suốt mùa hè năm 2022, châu Âu đã phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục, kéo theo cháy rừng hoành hành trong nhiều tuần liên tục. Thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi mọi quy luật, khiến hàng loạt quốc gia phải “báo động đỏ”, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Cháy rừng khắp châu Âu

Do nắng nóng khắc nghiệt kéo dài, lực lượng cứu hỏa ở nhiều nước châu Âu phải vất vả đối phó với các đám cháy rừng diện rộng. Viện Hải dương và Khí quyển Bồ Ðào Nha (IPMA) cho biết, Bồ Ðào Nha hiện có 70 thành phố ở miền Bắc và miền Trung có nguy cơ cháy rừng ở mức tối đa, trong khi nguy cơ đối với 60 thành phố khác là rất cao. Lực lượng cứu hỏa Bồ Ðào Nha hiện đang nỗ lực kiểm soát một đám cháy lớn ở thị trấn Covilha, giáp biên giới Tây Ban Nha. Các cơ quan cứu hỏa Tây Ban Nha cho biết, vùng Galicia ở Tây bắc đang đương đầu với bảy trận cháy rừng khiến hơn 4.000ha rừng bị thiêu rụi. Trận cháy rừng nghiêm trọng nhất xảy ra ở gần thành phố La Coruna. Ðám cháy đã thiêu rụi ít nhất 2.000ha rừng và buộc 700 người tại một khu cắm trại phải sơ tán. Với tình trạng này, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua một luật mới nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng, trong đó bao gồm các biện pháp như nâng cao cảnh giác về nguy cơ cháy rừng trong cả năm và phát quang bụi rậm để ngăn đám cháy lan nhanh.

Tại Pháp, quốc gia này đang hứng chịu đợt sóng nhiệt thứ tư trong mùa hè năm nay khi mà trận hạn hán lịch sử ở quốc gia Tây Âu khiến các ngôi làng cạn kiệt dần nguồn nước uống, nông dân được cảnh báo về tình trạng thiếu sữa vào mùa đông tới. Theo Cơ quan thời tiết quốc gia Pháp Meteo France, đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất mà nước này phải hứng chịu kể từ khi các kỷ lục bắt đầu được ghi nhận vào năm 1958. Hiện tượng thời tiết cực đoan này dự kiến sẽ diễn biến tồi tệ hơn ít nhất đến giữa tháng 8. Theo đó, thời tiết nắng nóng cực đoan đã khiến 225ha rừng ở thành phố Brasparts bị thiêu rụi và 15ha rừng ở thành phố Brennilis thuộc tỉnh Finistère, 25ha rừng ở thành phố Erdeven thuộc tỉnh Morbihan. Ít nhất 15 thành phố ở tỉnh Morbihan bị ảnh hưởng do các đám cháy rừng bùng phát hôm 7.8. Trong khi đó, hạn hán nghiêm trọng và gió chuyển hướng đã tạo điều kiện cho cháy rừng lan rộng tới các vùng khác.

Tại Croatia, cháy rừng bùng phát trên đảo Hvar, Bộ Quốc phòng Croatia đã phải điều ba máy bay phun nước đến hiện trường để hỗ trợ các đội cứu hỏa địa phương dập lửa. Nắng nóng và khô hạn được cho là nguyên nhân chính khiến các đám cháy xảy ra liên tiếp vừa qua trên khắp quốc gia này. Bên kia bờ eo biển Gibraltar, cháy rừng cũng đang hoành hành ở miền nam châu Âu, từ Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha đến Pháp, lan đến cả các nước phía đông châu Âu như Ba Lan hay Hy Lạp, khi phần lớn châu Âu đang chìm trong đợt nắng nóng dữ dội, với nhiệt độ vượt trên ngưỡng 400 độ C tại nhiều khu vực.

Nguồn: CNN
Nguồn: CNN

Hệ lụy khôn lường từ cháy rừng

Theo thống kê từ Hệ thống giám sát cháy rừng của châu Âu (EFFIS), chỉ trong một vài tuần các đám cháy rừng bùng phát khắp châu Âu đã thiêu rụi diện tích đất rừng rộng lớn hơn tổng diện tích từng bị tàn phá trong cả năm 2021. Các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng nhanh hơn gấp 3 đến 4 lần so các vùng cùng vĩ độ trung bình phía Bắc khác như Mỹ. Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính khiến thời tiết trở nên nóng và hanh khô hơn, tạo điều kiện cho các đám cháy rừng lan nhanh và kéo dài lâu hơn, thải ra nhiều chất ô nhiễm không khí gây các bệnh về tim mạch và đường hô hấp, cùng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn, tiếp tục làm Trái đất ấm lên.

Theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng ở Tây Ban Nha đã phát thải 1,3 triệu tấn carbon vào bầu khí quyển, mức cao nhất so cùng kỳ tháng 6 và 7 hằng năm. Với hơn 30 vụ cháy rừng hoành hành, lượng phát thải carbon ở Tây Ban Nha đã phá kỷ lục trước đây là 1,1 triệu tấn, được ghi nhận năm 2012. Nhà khoa học Mark Parrington thuộc Copernicus cho biết, lượng phát thải do cháy rừng ở Tây Ban Nha hiện đã cao hơn lượng phát thải trong 20 năm qua ở nước này. Trong cùng giai đoạn, Pháp cũng ghi nhận lượng phát thải do cháy rừng cao gần kỷ lục 344.000 tấn CO2, mức cao nhất kể từ tháng 6.2003.

Trong năm 2021, các chuyên gia ước tính cháy rừng đã thải ra 1,76 tỷ tấn CO2 trên toàn cầu do các đám cháy nghiêm trọng và kéo dài hoành hành tại các vùng ở Siberia, Mỹ và Ðịa Trung Hải. Các đám cháy rừng năm nay lan rộng ở khu vực miền nam châu Âu và Bắc Phi làm hàng nghìn người thiệt mạng và buộc phải sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gây ô nhiễm, tàn phá sức khỏe. Liên minh châu Âu (EU) hiện đang đàm phán với các nhà sản xuất để đẩy nhanh việc mua máy bay chữa cháy trong bối cảnh năm 2021 ghi nhận mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai trong lịch sử của khối. EFFIS dự báo, châu Âu có thể kết thúc năm 2022 với diện tích rừng bị thiêu rụi nhiều hơn năm 2017, hiện là năm ghi nhận tình trạng cháy rừng tồi tệ nhất với gần 1 triệu hécta rừng (10.000km2) bị tàn phá.

Trên toàn cầu, các thảm họa khí hậu, bao gồm cháy rừng là nguyên nhân gây ra 62% các cuộc di cư nội địa mới vào năm 2021. Tại châu Âu và Trung Á, 276.000 lượt di cư đã được ghi nhận do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Theo các nhà khoa học khí hậu, tính trung bình trên đất liền, những đợt thời tiết khắc nghiệt xảy ra cứ 10 năm một lần thời kỳ tiền công nghiệp, giờ đây đã thường xuyên hơn gấp ba lần. Các hiện tượng này được dự đoán còn trở nên thường xuyên hơn, kéo dài hơn và khốc liệt hơn nữa trong tương lai.

Ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế 

Nắng nóng cực đoan không chỉ đe dọa sức khỏe người dân, môi trường, gây thiệt hại lớn về con người mà còn kéo theo những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC), trong khi thiệt hại do bão lũ, hỏa hoạn gây ra được công bố rõ ràng và các công ty bảo hiểm có thể nhanh chóng định lượng chính xác, thì việc đánh giá thiệt hại của các đợt nắng nóng lại chỉ có thể được thống kê đầy đủ thông qua những con số mất mát về người. Trong khi đó, thiệt hại về kinh tế do nắng nóng gây ra là rất lớn, nhưng lại khó đong đếm và thường thông qua các chỉ số gián tiếp như sản lượng, năng suất, hoặc là những chi phí vô hình như ảnh hưởng về sức khỏe và thể chất.

Theo một nghiên cứu do Cơ quan Y tế công cộng Pháp (SPF), nắng nóng tác động xấu tới thể trạng sức khỏe con người, cùng đó còn dẫn đến tình trạng giảm năng suất lao động. Nhiệt độ tăng cao khiến người ta buộc phải hạn chế một số hoạt động đi lại dẫn đến việc giảm giờ lao động và năng suất lao động. Theo ILO, với châu Âu, nếu nhiệt độ lên đến khoảng 30 độ C thì năng suất trong lĩnh vực xây dựng hay nông nghiệp sẽ giảm từ 30 - 40%. Ở 33 - 34 độ C, một công nhân trung bình mất 50% khả năng lao động. Khi nhiệt độ của hàn thử biểu càng tăng, thì năng suất lao động càng giảm, kéo theo chỉ số kinh tế sa sút. Theo một nghiên cứu cho biết, các đợt nắng nóng năm 2003, 2010, 2015 và 2018 ở châu Âu đã khiến năng suất lao động giảm, tước đi của nền kinh tế châu Âu ước tính từ 0,3 - 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương từ 43 đến 72 tỷ euro.

Tại Pháp, đợt nắng nóng được dự tính làm sản lượng ngô giảm 9% và sản lượng lúa mỳ giảm 10%. Khả năng thích ứng của ngành nông nghiệp với các đợt nắng nóng và có lẽ đối với các hiện tượng khí hậu đặc biệt vẫn còn là một thách thức lớn. Tương tự, nông dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... cũng đang phải trải qua những ngày hè dữ dội khi mà trong nhiều ngày không thể ra đồng. Gia súc phải nhốt trong những khu chuồng trại phủ kín và phải bố trí hệ thống quạt gió chạy tới 14 giờ mỗi ngày.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nắng nóng cực đoan “thiêu đốt” kinh tế châu Âu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO