Nặng nghĩa tri ân!
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 hàng năm, hỏi ai không dạt dào cảm xúc? Đất nước của sự hiếu học, có gia đình nào không có cháu con đi học? Có ai không nhớ về thời đi học, không nhớ về những kỷ niệm vui buồn của những thầy cô từng dạy dỗ mình?
Đất nước hiếu học cũng là dân tộc với đạo lý trọng thầy! “Một chữ cũng là thầy”, chẳng phải là ứng xử ở đời đó sao? Tình cảm nồng ấm ấy của trò đối với thầy cô chính là nghĩa cử cao đẹp của tình đời, tình người, cho dù thời kinh tế thị trường, hội nhập bây giờ nhiều thứ không còn giữ được như xưa, nhưng dù khác gì, sự trọng thầy, kính thầy thực tâm, sự tri ân công lao thầy cô thật lòng vẫn ngời lên bao câu chuyện cảm động.
Lắng lòng khi nhìn hình ảnh những thầy cô ngày đêm “cõng chữ” lên những vùng non cao, gửi cả thời trẻ với nghề dạy học ở nơi xa nẻo. Bao thầy cô cắm bản ở Đắk Lắk vượt rừng sâu để “bắt trò” về lớp học. Vẫn sáng lên kia những thầy giáo, cô giáo trẻ nơi phố thị tình nguyện ra dạy chữ ở những đảo xa, đem con chữ đến với con em các làng vạn chài, những cù lao. Đó còn là những thầy cô cả đời nghiên cứu khoa học, hiểu biết uyên thâm, không mong ước gì hơn là đào tạo truyền lại cho thế hệ tương lai trí thức xứng tầm!
Nhưng chuyện dạy, chuyện học thời đổi mới, hội nhập, cũng đủ cung bậc, nỗi niềm. Là buồn đến nao lòng vì chuyện mua điểm, mua chứng chỉ. Là việc đánh giá học trò, nhận xét luận văn, học vị “thước đo” hay dở qua quà cáp, phong bì dày mỏng. Là việc có không câu chuyện “lợi ích nhóm” trong làm sách giáo khoa từng nóng cả nghị trường QH. Có không những chuyện đạo văn từ cả những người mang danh thầy dạy. Rõ ràng những chuyện không vui ấy đã làm cho bức tranh giáo dục phần nào như méo mó, nhưng vẫn không thể làm nhạt nhòa hình ảnh của những thầy cô cả đời đam mê, hy sinh cho nghề dạy chữ, dạy người!
Đó là hình ảnh cảm động về thầy giáo Phạm Minh Chí ở Trường PTDT bán trú tiểu học và trung học cơ sở Krong, huyện Kbang, Gia Lai 20 năm cõng trò trên lưng đến lớp. Càng thán phục hơn chuyện về thầy Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Konpne với 16 năm hy sinh cả tuổi trẻ gắn bó với núi rừng đưa một “vùng trắng” giáo dục thành trường đạt chuẩn quốc gia. Đó là chuyện người thầy gần 40 năm gắn bó với đất Cù lao Dung, Sóc Trăng, coi mái trường như quê hương mình. Đó là hình ảnh đẹp về những thầy cô cắm bản gieo con chữ nguyện cả đời là người đưa đò bền bỉ để chở bao học trò vùng cao đến bờ bến vinh quang. Lay động lòng người hơn cả là chuyện về thầy giáo nuôi cậu trò tí hon Hre (9 tuổi chỉ nặng 4kg) ân tình chu đáo như người cha đích thực chăm chút giấc ngủ, bữa ăn cho chính con mình.
Vẫn còn kia những cô giáo nặng lòng dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ với lòng kiên trì vô hạn. Không có sự đam mê, yêu nghề, yêu trẻ, sao có thể làm nên điều kỳ diệu ấy? Tình yêu nghề càng như ngọn lửa cháy sáng lên niềm tin mới của nghề “chở đò”. Cứ nhớ mãi hình ảnh cậu trò một thuở nghịch tung giời với câu chuyện đi tìm cô giáo cũ để tri ân mới thấy nghề dạy học cũng nhiều thi vị. Đó chính là ông Phan Ái Nhân, người con của đất Quảng Bình 30 năm chiến tranh loạn lạc mới tìm được cô giáo cũ đã rời về Hải Phòng. Người học trò cũ ơn cô, coi cô như mẹ đẻ. Chính “bà giáo già” mà ông gặp lại đã rèn cậu trò nghịch nhất trường Phan Ái Nhân thành người, thành danh, biết sống giàu lòng nhân ái.
Tri ân thầy cô là hành xử đẹp ở đời. Dạy chữ, dạy người ngỡ hai mà là một! Không say nghề, không yêu nghề, đã dễ gì theo được cái nghiệp “chở đò” đến trọn đời! Mới hay: Áp lực của nghề dạy học hiện nay cũng đâu có ít. Nhưng dù bất cập, khó khăn gì, thì tình thầy nghĩa trò vẫn sáng ngời. Tình ấy chính là sự trân quý thầy cô đã dạy cho mỗi chúng ta không chỉ biết chữ mà biết cả làm người! Nghĩa ấy là đạo lý ở đời, ăn quả phải nghĩ đến người trồng cây! Dân tộc hiếu học, cũng là dân tộc bao giờ cũng biết trọng thầy!