Nâng mức khởi điểm chịu thuế có phải là giải pháp hữu hiệu nhất hay không?
Tại phiên họp của UBTVQH bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa qua, nhiều ý kiến đã tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân lên mức 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/tháng. Bởi với tình hình lạm phát tăng cao và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay, người nộp thuế rất cần được Nhà nước chia sẻ.
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/người/tháng, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (không giới hạn số người phụ thuộc). Nếu so sánh mức giảm trừ gia cảnh với một số nước trong khu vực thì mức giảm trừ gia cảnh hiện hành cho người nộp thuế của nước ta là khá cao. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đưa ra đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên mức 9 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân chủ yếu do dù thu nhập của người dân nước ta tăng lên cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thì vẫn không thể bắt kịp với tốc độ trượt giá trong thời gian qua. Hơn nữa, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hiện nay khiến người nộp thuế rất cần được Nhà nước chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay đúng là rất cần khoan sức dân để tạo động lực cho mọi thành phần trong xã hội vượt qua khó khăn. Nhưng theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, nếu thực hiện theo đề xuất của Chính phủ thì sẽ có khoảng 100% người nộp thuế ở bậc 1 (dưới 5 triệu đồng/tháng) và 72% người nộp thuế ở bậc 2 (từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng) sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ này. Như vậy, số người nộp thuế còn tương đương khoảng 1 triệu người, giảm khoảng 2,8 triệu người so với quy định hiện hành. Hơn nữa, nếu xem xét vào thu nhập bình quân đầu người của nước ta (đạt khoảng 1.300 USD/năm), thì chắc hẳn sẽ có băn khoăn mức khởi điểm chịu thuế này có giống với thuế thu nhập cao không? Tất nhiên, khi chưa có kết quả điều tra chính thức về tiền lương và mức sống tối thiểu của người dân tại các vùng miền trên cả nước, thì chưa nên đưa ra nhận định mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân theo đề xuất của Chính phủ thế nào là cao hay thấp.
Mặt khác, Việt Nam đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới nên mỗi chính sách trước khi ban hành đều cần xem xét thông lệ trên thế giới. Nếu xem xét ở trên góc độ này thì có thể thấy, mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Chính phủ sẽ khiến khoảng cách giữa nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới được kéo dài thêm. Thực tế, mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Chính phủ sẽ tương đương gấp 2,5 lần thu nhập bình quân đầu người của nước ta vào năm 2014. So với các nước trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ này là cao, chưa bảo đảm tương đồng với các nước có điều kiện hơn Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc. Có thể, phép so sánh này còn có điểm chưa hợp lý vì mặt bằng xã hội và mức sống của người dân tại những quốc gia này cao hơn nước ta. Song có thể thấy, thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia sẽ không phải yếu tố quyết định đến mặt bằng xã hội và chất lượng đời sống của người dân. Yếu tố quan trọng nhất là an sinh xã hội phải bảo đảm cho người dân được sử dụng dịch vụ xã hội thuận tiện, với mức chi phí thấp nhất có thể. Ở khía cạnh này thì không thể quên Nhà nước là chủ thể chính trong cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội cho người dân. Vậy có nên cân nhắc việc thêm một nguồn thu sẽ bị giảm đi, trong khi thu ngân sách Nhà nước giảm mạnh trong 8 tháng qua không?
Các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng không thể đi ngoài nguyên tắc chung của tài chính là bảo đảm tính trung lập của thuế, không lồng ghép quá nhiều chính sách xã hội. Bởi thế, hãy để thuế giữ nguyên vẹn thuộc tính trung lập của mình. Điều cần nhất lúc này là kiềm chế giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giúp túi tiền của người dân không bị hao hụt nhanh như hiện nay. Nói cách khác, trước hết, các cơ quan chức năng cần có những hành động thiết thực để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Bởi như vậy, nguồn vốn này sẽ không trở thành nguyên nhân chính khiến lượng cung tiền ra xã hội lớn– là nguyên nhân chính gây lạm phát cao, kinh tế vĩ mô bất ổn hiện nay. Vốn đầu tư của Nhà nước sẽ chuyển hóa thành các công trình, chương trình phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mặt khác, khi thu ngân sách không bị ảnh hưởng, Nhà nước sẽ có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội được đề ra.