Nâng mức hỗ trợ hoạt động cho đội công tác xã hội tình nguyện
Giám sát chuyên đề về tổ chức hoạt động và thực hiện chi trả chế độ chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện trên địa bàn, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hòa Bình ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị, tỉnh tiếp tục cho phép duy trì các đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, tiến tới nhân rộng ở các địa bàn được xác định là trọng điểm về phòng, chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội và phụ cấp cho các thành viên.
"Cầu nối" giữa chính quyền với người dân
Toàn tỉnh Hòa Bình hiện đang duy trì 21 đội công tác xã hội tình nguyện với 95 thành viên, 17/95 tình nguyện viên là công chức cấp xã. Các đội được hỗ trợ kinh phí hoạt động tùy vào khả năng cân đối ngân sách của cấp xã từ 2 - 5 triệu đồng/năm, mức phụ cấp cho tình nguyện viên được thực hiện bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 22 ngày 4.8.2016 của HĐND tỉnh về quy định mức thù lao hàng tháng đối với các thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện. Cụ thể, đội trưởng là 0,4 lần mức lương cơ sở; đội phó là 0,3 và đội viên là 0,25 lần mức lương cơ sở.

Báo cáo giám sát và ý kiến của các đơn vị được giám sát cho thấy, đội công tác xã hội tình nguyện luôn phát huy vai trò đi đầu, làm "cầu nối" tác động làm thay đổi, chuyển biến nhận thức của Nhân dân trong các hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các hoạt động xã hội khác. Đồng thời, là "cầu nối" giữa chính quyền với Nhân dân, làm mềm hóa mối quan hệ hành chính giữa chính quyền và các đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội; góp phần thay đổi nhận thức, giảm đi sự kỳ thị đối với các đối tượng mắc tệ nạn xã hội.
Qua rà soát năm 2023, toàn tỉnh có 1.600 người nghiện ma túy, giảm 92 người so với năm 2022; 116/151 xã, phường thị trấn có người nghiện ma túy; 491 người sử dụng tái phép chất ma túy… Hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, truyên truyền nhằm cung cấp hệ thống văn bản, chính sách mới nâng cao kiến thức về phòng chống tệ nạn xã hội, kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng tư vấn, cảm hóa, giúp đỡ và hoạt động xã hội. Qua đó, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phòng chống tệ nạn xã hội và các phong trào khác trên địa bàn tỉnh…
Nhân rộng mô hình tại các khu vực trọng điểm về tệ nạn
Trên thực tế, quá trình hoạt động các đội công tác xã hội tình nguyện còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hoạt động còn hạn chế; một số tình nguyện viên chưa tích cực tiếp cận,chưa kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhóm đối tượng có nguy cơ cao để tư vấn, hỗ trợ. Các thành viên đội công tác xã hội tình nguyện hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc tiếp cận để tư vấn, giáo dục, vận động người nghiện ma túy gặp nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao…

Một số đơn vị, địa phương kiến nghị, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục cho phép duy trì các đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, tiến tới nhân rộng ở các địa bàn được xác định là trọng điểm về phòng, chống tệ nạn xã hội; nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội và phụ cấp cho các thành viên. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội phối hợp, hỗ trợ đội công tác xã hội tình nguyện trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Võ Ngọc Kiên, mặc dù quá trình hoạt động còn có những khó khăn nhất định, nhất là về kinh phí song, các đội công tác xã hội tình nguyện đã đóng góp quan trọng trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức công tác tuyên truyền theo quy chế hoạt động, góp phần giảm thiểu tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu tình hình, đánh giá kết quả hoạt động của đội công tác xã hội tình nguyện thực chất hơn để trả phụ cấp và công sức của các thành viên tham gia; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để sớm ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới công tác xã hội tình nguyện.