Chọn đúng và trúng vấn đề
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng, nội dung giám sát phải cân nhắc lựa chọn kỹ với phương châm bảo đảm toàn diện các lĩnh vực và giám sát những vấn đề nổi cộm, cần thiết và đúng thời điểm nhất. Qua giám sát, các ban HĐND tỉnh cần có những kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế của các đơn vị, địa phương có liên quan; đồng thời, kiến nghị các giải pháp thực hiện.
Lấy ví dụ từ địa phương, bà Hoàng Thị Bích Hằng cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số trên địa bàn, dù đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Vấn đề này được cử tri, người dân rất quan tâm bởi sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực tiễn ấy cũng chính là lý do mà Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh tổ chức đoàn giám sát kết quả thực hiện ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã đến làm việc tại Trung tâm CNTT thuộc Sở Tài Nguyên, Môi trường, Trung tâm CNTT tỉnh, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh của TP. Biên Hòa. Tại những nơi giám sát, từ những báo cáo chi tiết tình hình triển khai thực hiện ứng dụng CNTT của từng đơn vị, những đề xuất, kiến nghị, đoàn đã ghi nhận những nỗ lực, kết quả tích cực các đơn vị làm được, chỉ ra những hạn chế và đề xuất các giải pháp. Qua đó, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chức năng giám sát của HĐND thể hiện ở các phương thức khác nhau. Với các hoạt động giám sát như xem xét báo cáo, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm, thành lập đoàn giám sát, khảo sát thực tế, ban hành các kết luận, kiến nghị đối với đối tượng chịu sự giám sát... sẽ giúp phát hiện kịp thời những yếu kém, khiếm khuyết trong hoạt động của các cơ quan chịu sự giám sát. Từ đó, kiến nghị những biện pháp khắc phục một cách có hiệu quả, để các đối tượng chịu sự giám sát làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước ở địa phương. Bên cạnh đó, thông qua việc chọn lọc và tiến hành giám sát các vấn đề người dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, kết quả giám sát sẽ giúp chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, thậm chí là sai phạm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan, người có thẩm quyền, để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, xử lý sai phạm.
Quan tâm bồi dưỡng đại biểu cấp huyện, xã
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, giám sát không có nghĩa là “vạch lá tìm sâu”, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong thực thi chính sách, mà quan trọng hơn là phát hiện kịp thời những điểm chưa phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội của các quy định pháp luật, qua đó kiến nghị biện pháp khắc phục. Do đó, kết quả trong giám sát việc thi hành văn bản pháp luật là nguồn thông tin quan trọng, cung cấp cơ sở thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia làm công tác xây dựng pháp luật trong quá trình soạn thảo ở các khâu nhằm ban hành chính sách hợp lý, khả thi. Khi mà chính quyền có khả năng hoạch định và thực thi các chính sách phù hợp, tạo động lực cho sự phát triển, đó mới là chính quyền vững mạnh.
Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả cao, các tỉnh cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ đại biểu. Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Hoàng Minh giải thích, nội dung hoạt động và công tác giám sát của HĐND rất phong phú, đa dạng, có nhiều vấn đề mang tính nghiệp vụ chuyên sâu, trong khi số đại biểu hoạt động chuyên trách còn ít, đại biểu HĐND vẫn còn nặng tính cơ cấu nên hầu hết chỉ có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định. Ngoài ra, cấp ủy đảng ở một vài nơi, đặc biệt là cấp xã vẫn còn tình trạng “phó mặc” cho HĐND làm đến đâu hay đến đó, khiến HĐND không phát huy được vai trò… Chính các yếu tố đó đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của HĐND.
Nói thêm về các giải pháp, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, việc thực hiện quyền lực của HĐND phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố trong cơ cấu tổ chức, cơ chế thực thi quyền lực của HĐND, đó là: đại biểu HĐND, các ban HĐND, thường trực HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc… HĐND muốn thực hiện được quyền lực đó, trước hết phải có năng lực nội tại của mình. Nói cách khác, chỉ khi nào HĐND có đủ năng lực thực hiện quyền lực thì khi đó mới có thực quyền. Hoạt động của HĐND có mang nặng tính hình thức hay không phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố này. Muốn HĐND có thực quyền phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực của các yếu tố trong cơ cấu tổ chức. Theo đó, phải lựa chọn những đại biểu có năng lực, uy tín, có tâm huyết với hoạt động HĐND. Các ban của HĐND, thường trực HĐND các cấp cũng phải được tổ chức theo đúng tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương; kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc HĐND các cấp, nhất là đối với cấp xã.