Nặng lòng với dân ca ngã ba sông Móng

- Thứ Sáu, 03/08/2012, 08:40 - Chia sẻ
Gần 20 năm cất công sưu tầm các làn điệu dân ca xưa và tự đứng ra tổ chức các lớp dạy hát, nhạc sỹ Phạm Trọng Lực đã làm sống lại các làn điệu dân ca vùng ngã ba sông Móng.

Ngã ba sông Móng là địa danh nằm trên lưu vực sông Châu, nơi tiếp giáp ba xã thuộc ba huyện của tỉnh Hà Nam: xã Bình Nghĩa (Bình Lục), xã Văn Lý (Lý Nhân) và xã Tiên Phong (Duy Tiên). Từ xa xưa dân trong vùng đã truyền tụng câu ca: Một vùng sông rẽ ngã ba/Tiếng con gà gáy nghe ba huyện cùng. Cư dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào việc đánh bắt thủy sản, trồng lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... Những câu hát dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng là nguồn dân ca của chung ba huyện nhưng lại mang tên riêng của một làng - làng Móng - làng của những người chèo đò. Hình thức ban đầu của những làn điệu này là hát đối trên sông giữa hai bên nam nữ trong bối cảnh lao động. Sau này, với sự mở rộng của các làn điệu, của lời hát, ca từ..., câu hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng đã trở thành làn điệu dân ca tiêu biểu cho cư dân nông nghiệp Hà Nam. Dân ca vùng sông Móng lúc đầu hát trên mặt nước, sau chuyển lên bờ, cả hình thức lẫn nội dung ngày càng phong phú hơn. Chất trữ tình trong các làn điệu dân ca được cảm hứng từ môi trường lao động, sinh hoạt và trữ liệu lịch sử - xã hội. Các chất liệu lấy từ cuộc sống như: bến sông, con đò, con thuyền, xóm bãi... là những hình ảnh gần gụi, thân thương, gợi cảm được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều làn điệu. Bên cạnh đó, những câu chuyện dã sử, những truyền thuyết cũng là chất liệu để hình thành các lời ca.

Sinh ra ở vùng ngã ba sông Móng, ông Phạm Trọng Lực đã gắn bó trọn đời mình với những câu hát dân ca của quê hương. Tuổi thơ của ông được nuôi dưỡng bằng những lời hát dân ca của mẹ. Và như một mối lương duyên, cả cuộc đời ông đã gắn bó với những làn điệu dân ca vùng đồng bằng Bắc bộ... Năm 1962, chàng thanh niên yêu văn nghệ Phạm Trọng Lực chạm ngõ làng chèo. Từ năm 1965 - 1982, ông là nhạc công sáo của Đoàn Chèo Nam Hà, rồi đoàn trưởng, kiêm phó trưởng đoàn của Đoàn chèo Hà Nam Ninh. Từng ấy năm gắn bó với nghệ thuật, vốn hiểu biết về dân ca nhiều nên càng thôi thúc trong ông khát vọng đi tìm, biên soạn có hệ thống những làn điệu dân ca quê hương, để phổ biến tới quần chúng yêu dân ca. Quyết định về hưu sớm, ông bắt đầu con đường tìm lại những câu hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng, như đi tìm lại tuổi thơ của mình.

Khi người mẹ qua đời cũng là lúc công việc sưu tầm các làn điệu dân ca của ông phải tạm dừng, vì trong tỉnh Hà Nam không còn ai ở thế hệ trước có thể thuộc nhiều dân ca như bà. Không bằng lòng với việc chỉ hát mộc như người xưa, từ những bản ký âm, ông Lực tìm cách đưa các nhạc cụ vào, đệm đàn cho những bài dân ca, khiến chúng dễ thuộc, dễ hát, có thể biểu diễn trên sân khấu. Ông chia sẻ: “những làn điệu dân ca đã hay thì phải tìm cách đưa nó lên sân khấu, để cho nhiều người biết đến, còn nếu hát như các cụ ngày xưa thì chỉ có người trong làng biết thôi”. Gần 20 năm cất công sưu tầm, ông đã tìm lại được hơn 30 làn điệu. Nhiều người nặng lòng với những làn điệu dân lo lắng rằng cuộc sống hiện đại sẽ làm mất đi cái không gian diễn xướng xưa kia, thế nhưng với những lớp học hát thường xuyên do thầy Lực đứng ra tổ chức, thu hút nhiều người dân ở khắp các thôn làng, xã bạn đến học thì cái sự lo ấy đã vợi đi rất nhiều. Chị Huyền, một thành viên tích cực của lớp học hát dân ca, tâm sự: “Tôi nghĩ đã là người Hà Nam phải biết hát dân ca Hà Nam. Hát dân ca là cách bày tỏ tình yêu lao động và tình yêu cuộc sống”.

Thời gian thấm thoắt qua đi, giờ đã ở tuổi 72, nhạc sỹ Phạm Trọng Lực không thể nhớ đã có bao nhiêu lớp học hát dân ca được tổ chức, bao nhiêu thế hệ học trò đã thân thương gọi ông bằng thầy. Lớp học tan, mỗi người lại trở về với cuộc sống thường nhật nhưng âm hưởng của những bài dân ca luôn ngân nga trong lòng họ. Niềm đam mê, tâm huyết của thầy Lực đã được truyền lại cho các thế hệ học trò. Những khúc hát giao duyên như một mối duyên ngầm, sâu nặng, thủy chung của con người với quê hương, một tình cảm cội rễ không dễ gì dứt bỏ.

Kim Ngoan