Nàng Kiều lên sân khấu kịch nói

21/04/2008 00:00

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du luôn là đề tài hấp dẫn đối với nghệ thuật. Thực tế nàng Kiều từng bước lên sân khấu chèo, cải lương và lần này là sân khấu kịch nói...

Nàng Kiều lên sân khấu kịch nói ảnh 1

      Từ tác phẩm thơ thành kịch nói
      Nhà biên kịch, đạo diễn Nhật Bằng tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã say mê Truyện Kiều. Tuy nhiên, kho từ vựng trong Truyện Kiều không phải ai cũng hiểu được mặc dù đó là tác phẩm quen thuộc. Và cũng từ suy nghĩ đó tôi luôn khao khát có một cách thể hiện Truyện Kiều sao cho thật dễ hiểu. Đây là điều không đơn giản bởi ngoài ngôn từ bác học thì Truyện Kiều còn là tác phẩm thơ, chi tiết, hình ảnh trong thơ thường ít khi cụ thể hóa như trong kịch nói”. Sau nhiều năm “nung nấu”, cách đây một năm nhà biên kịch Nhật Bằng quyết định bắt tay vào chuyển thể Truyện Kiều sang kịch nói, một thể loại khác hẳn với bản chất của tác phẩm thơ. Truyện Kiều vốn đã được chèo và cải lương khai thác song điểm khác biệt của kịch nói là lời thơ chuyển thành lời thoại, ngôn từ mang tính đời thường, gần gũi với cuộc sống hơn. Về chất thơ trong tác phẩm, nhà biên kịch Nhật Bằng cho biết: “Dù chuyển sang lời thoại nhưng điều quan trọng nhất với tôi vẫn là giữ được hồn thơ và tôi đã dùng thể văn biền ngẫu, một thể loại văn cổ có nhịp điệu, xen lẫn những câu thơ hay để chuyển thể nên người xem vẫn nhận thấy chất thơ”. Toàn bộ dàn diễn viên được mời bên sân khấu cải lương và chèo để bảo đảm các yếu tố cách điệu mang đậm chất truyền thống, trung thành với tác phẩm. NSUT Hoàng Tùng, Nhà hát Cải lương Hà Nội, một người từng tham gia đóng Truyện Kiều bày tỏ: Việc biến Truyện Kiều từ thơ sang kịch có thể xem là bước đột phá. Cải lương, chèo hay kịch nói đều có những ưu thế riêng. Điểm mạnh của kịch nói là lời lẽ ngắn gọn, diễn biến nhanh, tuy nhiên hiệu quả của nó còn phụ thuộc vào tính đồng bộ của các diễn viên khi thể hiện các cảnh trong vở kịch.

      Một nàng Kiều đầy cá tính
      Theo nhà biên kịch, đạo diễn Nhật Bằng, bản chất của nàng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là một người biết vượt qua những đau khổ, luôn đấu tranh trước những áp bức của chế độ phong kiến, nên khi xây dựng hình ảnh Kiều, tôi muốn đó phải là nhân vật có cá tính. Cá tính đó được thể hiện ở lời lẽ, nét mặt, trạng thái tâm lý của Kiều. Việc lựa chọn diễn viên cho nhân vật này cũng không hề đơn giản. Đạo diễn Nghiêm Nhan cho biết: “Vừa có cá tính, nhưng lại vừa thể hiện được những nét dịu dàng đoan trang của một tiểu thư có tài, tôi đã phải lựa chọn rất kỹ và cuối cùng quyết định chọn diễn viên Thảo Quyên của Nhà hát Chèo Việt Nam. Đây là diễn viên có ngoại hình đẹp và đã từng vào vai Kiều khá thành công”. Diễn viên Thảo Quyên tâm sự: “Đây là một vai khó bởi nhân vật chứa đựng nhiều nội tâm và để làm nổi bật tính cách của Kiều tôi đã phải tập luyện rất nhiều ngay cả việc thể hiện ngôn từ cũng phải làm sao thể hiện được cá tính mà vẫn giữ được vẻ đoan trang của Kiều”. 
      Tác phẩm sân khấu kịch nói Truyện Kiều đã bắt đầu ghi hình. Nỗ lực của đội ngũ các nhà chuyên môn hy vọng sẽ đem đến cho người xem một cách tiếp cận mới về Truyện Kiều.

Đinh Thị Loan

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nàng Kiều lên sân khấu kịch nói
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO