Phòng cháy, chữa cháy

Nâng cao ý thức của người dân

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:10 - Chia sẻ
Với hơn 23.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, nhiều khu vực của Hà Nội có nguy cơ cháy nổ cao do nhu cầu sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu, khí đốt trên địa bàn ngày càng gia tăng... Nguy cơ càng hiện hữu bởi ý thức chấp hành về pháp luật phòng cháy, chữa cháy của một bộ phận người dân còn hạn chế, gây khó cho thành phố trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Vẫn lơ là với giặc lửa

Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hà Nội, Đại úy Đỗ Tuấn Anh cho biết, trong những năm gần đây, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch tăng cả về số lượng và quy mô. Các khu đô thị, nhà cao tầng được xây dựng ngày càng nhiều. Đáng chú ý, TP Hà Nội hiện có gần 500.000 nhà liền kề (dạng ống), trong đó có trên 120.000 nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất... nên nguy cơ cháy nổ rất cao.

Khắc phục tình trạng trên, những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành cũng như ý thức của người dân về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Công tác tuyên truyền được đổi mới để truyền tải có hiệu quả hơn đến từng người dân như tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện cho người tham gia; tuyên truyền tại các điểm nút giao thông, hệ thống truyền thông, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại các khu dân cư… Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, nhiều hộ gia đình đã tự trang bị hệ thống cảnh báo cháy nhanh, trang thiết bị chữa cháy ban đầu, bổ sung thêm lối thoát hiểm…

Tuy vậy, trong 10 tháng năm 2020, trên địa bàn vẫn xảy ra 329 vụ cháy, làm 6 người chết, 23 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 7,3 tỷ đồng. Hầu hết vụ cháy do chập điện, cụ thể có tới 235 vụ cháy do chập điện còn lại các vụ cháy do sơ suất khi sử dụng lửa, rò rỉ khí gas, hàn cắt, sự cố kỹ thuật máy móc, đốt... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy, nổ là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn trong sử dụng điện, cách bố trí hàng hóa của chủ hộ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh chưa cao và chưa phù hợp với quy định.

Đơn cử tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đã được tăng cường nhưng một số người dân vẫn còn coi nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; nhiều hộ gia đình chưa trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, chưa nắm được phương pháp, biện pháp chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn nên không có khả năng tự tổ chức cứu chữa, thoát nạn khi xảy ra cháy...- ông Nguyễn Hưng Huynh, cán bộ UBND xã La Phù, Hoài Đức cho biết.

Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho người dân là điều cần thiết

Nguồn: ITN 

Tăng cường tuyên truyền 

Hỏa hoạn luôn xảy ra bất ngờ. Trong khi đó, công tác phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ còn rất nhiều khó khăn: việc quan tâm đầu tư về chế độ chính sách, phương tiện, trang phục hoạt động chỉ đáp ứng được đòi hỏi thực tế đặt ra, nhất là với lực lượng phòng, chống cháy, nổ ở cơ sở; Một số phương tiện chữa cháy của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã cũ, lạc hậu... Do vậy, để hạn chế tối đa những sự cố hỏa hoạn xảy ra, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao kiến thức cũng như ý thức của người dân về công tác phòng chống cháy, nổ; phát huy công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở vẫn là giải pháp cần được ngành chức năng, các cấp chính quyền chú trọng.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hồ Diên Trung, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: An toàn Phòng cháy chữa cháy không còn chỉ là công việc của cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của toàn dân. Điều này được thể hiện rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001. Theo đó, với trách nhiệm của mỗi cá nhân, Luật quy định, phải: Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng... Chính vì thế, ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định này tới người dân để họ có thể nắm bắt và thực hiện một cách nghiêm túc, qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Giảng viên Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy bổ sung: Để hạn chế tối đa các vụ cháy do thiếu ý thức, người dân cần được bồi dưỡng nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Qua đó chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, một trong những yêu cầu đặt ra đó là ngành chức năng phải có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. 

 

Hải Thanh