Chủ trì hội nghị có Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổ phó Tổ Công tác liên ngành, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn.
Cùng dự có đại diện Quân chủng Phòng không - Không quân; các Binh chủng: Công binh, Đặc công, Thông tin liên lạc; Bệnh viện Quân y 175; các Học viện: Khoa học Quân sự, Phòng không - Không quân, Biên phòng, Hậu cần, Quân y; các trường: Sĩ quan Lục quân 1, Sĩ quan Chính trị, Sĩ quan Pháo binh, Sĩ quan Phòng hóa, Sĩ quan Đặc công...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, khẳng định, công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc 10 năm qua đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, góp phần đắc lực vào việc chuẩn bị và triển khai thành công lực lượng Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
“Công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thời gian qua cơ bản đã đạt chất lượng, hiệu quả, sát với thực tế địa bàn, đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn, quy định của Liên Hợp Quốc, bảo đảm cho cá nhân và đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là lĩnh vực mới, đặc thù, yêu cầu ngày càng cao trong khi cán bộ làm công tác huấn luyện, đào tạo chưa có nhiều kinh nghiệm, nên trong quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc”, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, đánh giá công tác chuẩn bị nguồn tham gia huấn luyện, lập kế hoạch và thực hành huấn luyện về chuyên môn và chuyên ngành.
Theo Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Mạnh Thắng, sau 10 năm tổ chức huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, có thể khẳng định, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xác định tốt đối tượng, nội dung huấn luyện; bám sát hướng dẫn, yêu cầu của Liên Hợp Quốc gắn với tuân thủ quy trình tiêu chuẩn của Quân đội nhân dân Việt Nam để xây dựng các chương trình huấn luyện khung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở chương trình khung được phê duyệt, hằng năm ta đã tiến hành lập kế hoạch huấn luyện, đánh giá rút kinh nghiệm huấn luyện cho các đối tượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc nhằm đạt được mục đích, yêu cầu huấn luyện đề ra. Cụ thể, đã xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện; phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác huấn luyện và giảng viên; công tác thực hành tổ chức huấn luyện...
Đánh giá kết quả đạt được về công tác huấn luyện gìn giữ hòa bình đặt trong hệ thống công tác huấn luyện chung của quân đội, đại diện các đơn vị gồm: Cục Quân y, Đội Công binh, Bệnh viện Dã chiến cấp 2... nhìn nhận, mặc dù có những khó khăn ban đầu, như việc tổ chức đưa lực lượng ra nước ngoài làm nhiệm vụ phải đáp ứng yêu cầu và vượt qua các đợt kiểm tra, đánh giá của Liên Hợp Quốc, nhưng các đơn vị vẫn nỗ lực vượt qua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, giữ vững niềm tin của Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế; góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia, đối tác; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Kết luận tại hội nghị, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đã biểu dương các cơ quan, đơn vị đã tham gia và có những cống hiến không nhỏ vào công tác Huấn luyện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong 10 năm qua và đạt được những thành tích xuất sắc.
Trên cơ sở báo cáo trung tâm của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và ý kiến tham luận của các cơ quan, đơn vị, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn giao Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan về xây dựng, điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống chương trình huấn luyện khung theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc cho các đối tượng là cá nhân các đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Đưa ra các tiêu chí chuẩn theo yêu cầu của Liên hợp quốc và thường xuyên cập nhật các chương trình huấn luyện, yêu cầu mới của Liên hợp quốc để áp dụng vào chương trình huấn luyện gìn giữ hòa bình cho các đối tượng của Việt Nam, kịp thời báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Nghiên cứu, xây dựng lộ trình cho ít nhất 1 khóa huấn luyện chuyên sâu về gìn giữ hòa bình để sớm được Liên Hợp Quốc công nhận đạt chuẩn...