Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung dự và phát biểu chúc mừng hội nghị.
Cùng dự hội nghị có: Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chandrapal Singh Yadav; Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ, Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Chitose Arai cùng lãnh đạo nữ các hợp tác xã trong khu vực; các đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ ngành Trung ương.
Hội nghị do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây là hoạt động thường niên bên lề Hội nghị Ban lãnh đạo của Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP).
Chỉ 25% lãnh đạo hợp tác xã là nữ
Phát biểu chúc mừng hội nghị, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nêu rõ, trao quyền cho phụ nữ là một chiến lược không thể thay thế trong công cuộc giảm nghèo, thúc đẩy phát triển. Điều này đòi hỏi sự công nhận vị trí xứng đáng của phụ nữ cũng như gợi mở sự khao khát được đóng góp trí tuệ, khả năng của chị em ở cả khu vực công và tư, trong đó có các hợp tác xã. Nội dung thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, là mối quan tâm của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh việc phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đặt chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 nhằm nâng cao quyền năng và vị thế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã…
Mặc dù vậy, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản ảnh hưởng đến sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chỉ chiếm khoảng trên 25% trong tổng số lãnh đạo của các hợp tác xã và phần lớn chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống. Năng lực đội ngũ ban lãnh đạo hợp tác xã, nhất là phụ nữ, còn hạn chế ở các kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, tổ chức sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại...
Ba đề xuất nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo hợp tác xã khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của thế giới hậu đại dịch Covid-19, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đề nghị, để phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, cần tập trung vào ba vấn đề.
Thứ nhất, các nước sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp lãnh đạo về vai trò, đóng góp của phụ nữ đối với sự phát triển bền vững của hợp tác xã; kết nối các nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo hợp tác xã với Chính phủ, chính quyền các cấp, giữa các nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo hợp tác xã ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Thứ hai, các lãnh đạo nữ, đặc biệt các doanh nghiệp nữ và hợp tác xã do nữ làm chủ của các nước tiếp tục tiên phong, chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; xanh hóa sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Cần nhận diện rõ hơn những thách thức, những vấn đề mới nổi đối với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; chia sẻ kinh nghiệm vận động chính sách có lồng ghép giới cho hợp tác xã nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các hợp tác xã phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Thứ ba, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan triển khai các sáng kiến, hoạt động chung nhằm phát huy vai trò của nữ quản lý, nữ lãnh đạo hợp tác xã và đóng góp thực chất, hiệu quả vào phát triển kinh tế. Đồng thời, qua đó tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là giữa các hợp tác xã do nữ lãnh đạo, quản lý nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại hội nghị, các nữ lãnh đạo, giám đốc và doanh nhân nữ trong khu vực hợp tác xã đã cùng chia sẻ, nhận diện rõ hơn những thách thức và những vấn đề mới nổi trong phát triển kinh tế hợp tác; kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khuyến khích phụ nữ tham gia và điều hành hợp tác xã.
Chiều cùng ngày, đã diễn ra Hội nghị Ban lãnh đạo ICA-AP. Hội nghị được tổ chức định kỳ 2 lần/năm để báo cáo về tình hình các tổ chức thành viên, hoạt động của các Ủy ban chuyên môn và cập nhật các hoạt động ICA-AP đang triển khai, tập trung vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Lần này, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề như báo cáo hoạt động của Ủy ban Phụ nữ, Ủy ban Thanh niên; báo cáo hoạt động của ICA-AP, báo cáo tài chính, báo cáo tình hình thành viên và hội phí…
Năm 2024, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được chọn để đăng cai tổ chức Hội nghị Ban lãnh đạo của Liên minh Hợp tác xã quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) và Hội nghị Thượng đỉnh Nữ lãnh đạo hợp tác xã khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hoạt động sẽ diễn ra từ 29 - 31.7 tại Hà Nội. Dự kiến, có khoảng 100 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 70 đại biểu từ các nước châu Á – Thái Bình Dương, 30 đại biểu từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các ban, bộ, ngành Trung ương của Việt Nam (Ban Kinh tế Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…).