Công tác an toàn vệ sinh lao động

Nâng cao sức chống chịu

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:50 - Chia sẻ
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo “Dự báo, chuẩn bị và ứng phó khủng hoảng: Hãy đầu tư cho các hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt ngay từ bây giờ” nhân Ngày thế giới vì An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc 28.4. Hưởng ứng hoạt động đó, với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đặt ra nhiều mục tiêu giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao sức chống chịu với mọi tác động từ môi trường, bệnh dịch và nền kinh tế...
	Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù như công tác chăm sóc y tế và xã hội, ứng phó khủng hoảng trở nên đặc biệt dễ bị lây nhiễm
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người lao động làm việc trong những lĩnh vực đặc thù như công tác chăm sóc y tế và xã hội, ứng phó khủng hoảng trở nên đặc biệt dễ bị lây nhiễm

Nhân viên y tế đối mặt với nhiều áp lực

Theo báo cáo “Dự báo, chuẩn bị và ứng phó khủng hoảng: Hãy đầu tư cho các hệ thống an toàn sức khỏe nghề nghiệp có sức chống chịu tốt ngay từ bây giờ”, có 7.000 nhân viên y tế đã tử vong và 136 triệu nhân viên chăm sóc y tế - xã hội đứng trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi làm việc. Riêng tại châu Mỹ, dịch Covid-19 đã lây nhiễm trên 570.000 nhân viên y tế và giết chết 2.500 người. Ở châu Âu, 25% số trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 là các nhân viên y tế. Trong khi ở châu Phi, tổng số nhân viên y tế chiếm 5% tổng các ca bị nhiễm Covid-19, con số này ở một số nước là trên 10%. Bên cạnh đó, có 14% các ca lây nhiễm toàn cầu là nhân viên trong lĩnh vực y tế. 

Áp lực và rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt trong đại dịch đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tinh thần của họ. Số liệu thống kê cho thấy, trên toàn cầu, cứ 5 người thì có 1 nhân viên chăm sóc y tế có các triệu chứng trầm cảm, lo lắng. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến đầu bị trầm cảm lên tới 50,3%, lo lắng là 44,6% và 34% người được khảo sát bị mất ngủ.

Cũng như những lĩnh vực y tế và chăm sóc, nhiều nơi làm việc khác đã và đang trở thành nguồn lây truyền Covid-19 khi người lao động phải làm việc trong những môi trường kín và tiếp xúc gần với nhau, bao gồm cả việc sử dụng chung nơi ở hay phương tiện đi lại.

Báo cáo chỉ ra rằng, người lao động đến từ 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát (ILO và Mạng lưới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp triển khai) khó duy trì tinh thần lao động khi làm việc từ xa. Theo các chuyên gia ILO, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thiếu nguồn lực để ứng phó với những mối đe dọa do Covid-19 gây ra. Trong khu vực kinh tế phi chính thức, nhất là ở các nước đang phát triển, có đến 1,6 tỷ người lao động vẫn phải làm việc trong thời kỳ áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và giao tiếp xã hội cũng như các biện pháp khác. Những người lao động này đứng trước nguy cơ cao bị lây nhiễm virus khi phần lớn không được tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội cơ bản như nghỉ ốm có lương…

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh, tầm quan trọng của một môi trường an toàn, sức khỏe nghề nghiệp vững mạnh và có sức chống chịu tốt đã quá rõ ràng. Công cuộc phục hồi và công tác phòng ngừa đòi hỏi chính sách quốc gia, các khung thể chế phải điều tiết tốt hơn, được đưa vào các khung ứng phó khủng hoảng một cách phù hợp.

Báo cáo nêu rõ, các tiêu chuẩn lao động quốc tế đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức ứng phó với những thách thức để giảm nguy cơ virus lây truyền tại nơi làm việc. Tại một số nước, Chính phủ đã có các hỗ trợ nhân viên y tế tham gia chống dịch. Chẳng hạn, nhân viên y tế bị cách ly do lây nhiễm Covid-19 được hưởng quyền lợi là được nghỉ có lương như tại Phần Lan, Thụy Điển (báo cáo OECD năm 2020). Hay nhân viên ở Canada nhiễm Covid-19 sẽ được hưởng trợ cấp tiền mặt hàng tuần trong trường hợp tự cách ly, nhiễm bệnh hoặc thuộc nhóm dễ lây nhiễm. 

Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ đang xây dựng Chương trình Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở nghiên cứu, thực hiện 5 nội dung. Trong đó, có 2 nội dung nêu rất rõ về bảo đảm các yếu tố nguy cơ từ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Thứ nhất, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động; bệnh nghề nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình; đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động của Chương trình quốc gia về ATVSLĐ với các Chương trình mục tiêu, Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan khác; phát huy đồng bộ các hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Chương trình.

Thứ hai, sẽ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về ATVSLĐ để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về ATVSLĐ (như nhân viên y tế, khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, hóa chất, xây dựng...). Ngoài ra, Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ sẽ có nhiều đổi mới về phương thức thông tin, truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của mọi ngành nghề về lĩnh vực này. Cùng với đó, hợp tác quốc tế và kiện toàn công tác nhân sự cũng là nội dung được đưa vào nghiên cứu và xây dựng kế hoạch hành động.

Dương lê