Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Xuân Tùng 09/08/2022 10:59

Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ ngày này đã vượt qua khỏi việc bảo hộ một cách đơn thuần các sáng tạo trí tuệ, trở thành một lĩnh vực vô cùng năng động, đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống văn hóa và xã hội...

Công cụ tăng năng lực cạnh tranh

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, các doanh nghiệp hầu hết đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường kinh doanh trong nước và cả quốc tế. Vì vậy, các sản phẩm sở hữu trí tuệ (SHTT) của các doanh nghiệp chính là yếu tố tiên quyết để cạnh tranh thành công, hay xa hơn chính là yếu tố tạo ra lợi nhuận. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp đảm bảo cho cá nhân, doanh nghiệp có thể khai thác giá trị kinh tế bền vững và đúng pháp luật từ chính những sản phẩm trí tuệ của mình.

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ -0
Sáng chế khoa học công nghệ “made in VietNam” Robot FUSO hướng dẫn viên của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội 

Theo Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) Phạm Nghiêm Xuân Bắc, các doanh nghiệp nên tận dụng ưu thế về quyền sở hữu trí tuệ để góp phần tạo dựng giá trị thương hiệu, đẩy mạnh thực hiện hoạt động thương mại và tăng trưởng doanh thu. Ưu thế thu được từ quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành động lực để doanh nghiệp và nhà đầu tư an tâm, đầu tư nguồn lực tài chính vào hoạt động đổi mới sáng tạo cho các chu kỳ phát triển tiếp theo.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn 2010 - 2021, tại Việt Nam có trên 65.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế trên 5.000 đơn đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích, 31.000 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, 480.000 đơn đăng ký nhãn hiệu cùng hơn 313.000 văn bằng được cấp ra.

Tại Hội nghị Sở hữu Trí tuệ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới như hiện nay. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ.

Cũng theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, nền tảng pháp lý cho hoạt động SHTT luôn được tập trung xây dựng và không ngừng được hoàn thiện. Trên cơ sở hệ thống pháp luật vững chắc, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong những năm vừa qua đã có nhiều thành tựu đáng kể. Mới đây nhất Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó, hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp vào sự thành công của hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện Việt Nam có khoảng 10 kỳ lân công nghệ, chiếm gần 30% trong tổng số 36 kỳ lân công nghệ khu vực ASEAN vào năm 2021.

Các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cần một thập kỷ hoặc ít hơn để trở thành kỳ lân công nghệ, trong khi các tập đoàn trong danh sách Fortune 500 cần khoảng 20 năm để đạt được giá trị tỷ đô, bà Thitapha Wattanapruttipaisan, Trưởng Văn phòng đại diện WIPO tại Singapore cho biết.

 Xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ

Mặc dù việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng, tuy nhiên, một số cá nhân, doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích, giá trị của việc xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, cho nên chưa quan tâm tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ để gây dựng thương hiệu sản phẩm. Tình trạng xâm phạm quyền SHTT, hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trên thị trường. Nhiều tài sản trí tuệ của các địa phương chưa khai thác được hết giá trị, thậm chí một số tài sản trí tuệ không duy trì sản xuất hoặc không đóng phí gia hạn văn bằng bảo hộ dẫn đến bị hủy bỏ hiệu lực bảo hộ. Vụ việc xảy ra đối với thương hiệu sản phẩm gạo ST25 (gạo ngon nhất thế giới năm 2020) của Việt Nam trong năm 2021 là một trong những ví dụ điển hình của vấn đề này.

Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ -0
Gạo ST24 và ST25 đã bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bản quyền. Như vậy, khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ sẽ phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ. Nếu không thông qua, doanh nghiệp Việt sẽ vi phạm về sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với sự phát triển của khoa học, công nghệhội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc bảo hộ quyền SHTT lại càng trở nên phức tạp.

Báo cáo Chỉ số SHTT quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy, chỉ số đo lường quyền SHTT của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 42/55 quốc gia được xếp hạng, thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm 1 bậc so với năm 2021

Vì vậy, để tối đa hóa quyền lợi của cả xã hội, việc hình thành văn hóa bảo hộ sở hữu trí tuệ hay văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác là vô cùng quan trọng. Thông qua công tác hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cũng như triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước đã góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, dần hoàn thiện văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

Tại Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22.8.2019, lần đầu tiên đề cập tới thuật ngữ “văn hoá sở hữu trí tuệ”, trong đó “Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ” là một trong chín nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đề ra, cho thấy quyết tâm để từng người dân, từng thành phần kinh tế - xã hội có thể thấm nhuần ý thức tôn trọng và tôn vinh thành quả sáng tạo.

Cục trưởng cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khẳng định, văn hóa sở hữu trí tuệ có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội. Một hệ thống sở hữu trí tuệ vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO