Làm chủ nhiều kỹ thuật ghép tạng
Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận 25 ca chết não hiến tạng, nâng tổng số tạng hiến từ người chết não lên 87 người trên 829 bệnh nhân ghép, đạt tỷ lệ 10,49%. Đây được coi là số lượng kỷ lục khi so với các năm trước, tỷ lệ này thường dao động từ 5% - 6%.
Chia sẻ về chặng đường ghép tạng tại Việt Nam, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, kể từ ca chết não hiến tạng đầu tiên vào tháng 5.2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, đến nay, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Sự gia tăng rõ rệt này, không chỉ phản ánh những nỗ lực của ngành y tế mà còn thể hiện sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng đối với việc hiến tạng.
Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Tại Việt Nam, hiện đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng; trong đó, 27 bệnh viện chuyên về ghép thận, 8 bệnh viện ghép gan, 5 bệnh viện ghép tim, 4 bệnh viện ghép phổi và 2 bệnh viện ghép tụy. Năm 2023, có khoảng 1.000 người được ghép tạng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng. Điều này cho thấy, ngành y tế đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển các kỹ thuật ghép tạng, mặc dù vẫn còn nhiều công việc phải làm để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng.
PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật ghép tạng như ghép thận, gan, phổi, tim và tụy. Mặc dù tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng đang dần gia tăng, nhưng nguồn tạng hiến vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của những bệnh nhân đang cần ghép.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, tính đến tháng 7.2024, số người đăng ký hiến mô, tạng tại Việt Nam vào khoảng 101.000 người. Trong khi đó, nguồn hiến mô, tạng tại nước ta trong giai đoạn 1992 - 2023, từ chết não chỉ đạt 6%.
Ngược lại, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, đa phần tạng hiến đến từ nguồn người cho chết não (từ 90% - 95%), nguồn người cho sống chỉ chiếm từ 5% - 10%. Thực tế, người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên.
Tháo gỡ khó khăn về mặt chính sách
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề cập đến những khó khăn trong việc thúc đẩy hoạt động hiến tạng. Theo đó, có nhiều vấn đề như nhận thức của người dân về hiến tạng, quy định pháp lý hiện hành còn hạn chế và áp lực từ danh sách chờ ghép kéo dài. Đặc biệt, nhiều người vẫn còn lo ngại về vấn đề tâm linh, tạo ra rào cản lớn trong vận động hiến tạng.
Một khó khăn khác được các chuyên gia chỉ ra là những vướng mắc đến từ quy định pháp luật liên quan đến điều kiện hiến tạng sau chết, độ tuổi, chế độ cho người hiến tạng và gia đình, cũng như cơ chế tài chính cho các chi phí liên quan.
Các chuyên gia y tế cho rằng, tới đây, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần được sửa đổi, để sớm có hành lang pháp lý, tạo điều kiện triển khai ngày càng nhiều ca ghép tạng, cứu sống thêm nhiều người bệnh. Bên cạnh đó, truyền thông không nên chỉ tập trung vào việc đưa tin về các ca ghép tạng thành công, mà cần hướng tới tuyên truyền về tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp về hiến tạng.
PGS.TS Đồng Văn Hệ đã gợi ý các biện pháp cần thiết mà các quốc gia đi trước đã áp dụng. Trong đó, việc giáo dục cộng đồng về hiến tạng để nâng cao nhận thức, cải thiện hệ thống y tế cho hoạt động ghép tạng và xây dựng một hệ thống pháp lý thuận lợi là vô cùng quan trọng. Đồng thời, nhấn mạnh việc cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức và gia đình, tạo niềm tin cho cộng đồng vào hệ thống y tế cũng như quy trình phân phối tạng.
Để hoạt động hiến mô, tạng tại Việt Nam phát triển, theo các chuyên gia, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức sắc tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các cơ quan truyền thông.
Cùng với đó, các bệnh viện cần sớm thành lập đơn vị, phòng, tổ tư vấn hiến tạng sau chết não và điều phối hiến tạng; thành lập các chi hội vận động hiến mô, tạng; tôn vinh, tri ân kịp thời người hiến tạng chết não và gia đình của người hiến tạng. Mặt khác, các địa phương cần xây dựng mạng lưới hội vận động hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành và truyền thông vận động hiến mô, tạng tại cộng đồng.