Cuộc vận động có sức lan tỏa tích cực tới người tiêu dùng, doanh nghiệp
Theo đó, sức mua của người tiêu dùng với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...
Theo Số liệu thống kê của Bộ Công thương, hiện hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Chiếm 60 - 96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Xu hướng người Việt dùng hàng Việt đã dần phổ biến. Đại diện Siêu thị Co.opmart chi nhánh Nha Trang cho biết, hàng Việt chiếm đến 90% cơ cấu hàng hóa của chi nhánh cũng như hệ thống. Các sản phẩm đều có xuất xứ rõ ràng, có các chứng nhận như hàng Việt chất lượng cao, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm)…
Khảo sát của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho thấy sản phẩm của doanh nghiệp đạt hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua chiếm 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47% hay giá bán cạnh tranh 39%. Ngoài ra, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua.
Các con số thống kê đều cho thấy Cuộc Vận động đã có tác động không chỉ đối với nhận thức của người tiêu dùng mà còn tác động trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp, tạo động lực để các doanh nghiệp trong nước tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu tại thị trường trong nước.
Chú trọng xây dựng thương hiệu, chất lượng hàng hoá
Nhằm triển khai đồng bộ, có trọng tâm các nội dung của Cuộc vận động theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31.7.2009 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều địa phương đã chủ động ban hành nhiều chính sách, thúc đẩy các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, từng bước nâng tầm hàng Việt.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức thực hiện Cuộc vận động thông bằng các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm giúp người tiêu dùng tìm hiểu, nhận biết các sản phầm địa phương có thương hiệu, uy tín và đảm bảo về chất lượng.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình, chương trình phong phú như: Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Khu dân cư cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt”, “phiên chợ hàng Việt”; Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP); Chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng”; “Người dân nói không với hàng lậu”, “Xây dựng nền văn hóa tiêu dùng với sản phẩm trong nước”...
Những hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình đến đông đảo người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như kích cầu tiêu dùng tại mỗi địa phương tổ chức. Nhiều doanh nghiệp tại một số địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên, Khánh Hòa,… thông qua Cuộc vận động đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng sản phẩm thế mạnh, đặc trưng, hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển bền vững.
Tại Siêu thị Co.opmart chi nhánh Nha Trang, đơn vị thường tổ chức các chương trình nhằm kích cầu, đẩy mạnh hơn nữa hàng Việt đến với người tiêu dùng, đồng thời tăng cường chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp sản xuất hàng tại Việt Nam. Qua đó, hàng hoá luôn được siêu thị ưu tiên diện tích, vị trí trưng bày trên quầy kệ; chương trình khuyến mãi cũng đặc biệt chú trọng tới sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã xây dựng và thực hiện nhiều mô hình, chương trình phong phú như: Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”, “Khu dân cư cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt”, “phiên chợ hàng Việt”; Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP); Chuyên mục “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng”; “Người dân nói không với hàng lậu”, “Xây dựng nền văn hóa tiêu dùng với sản phẩm trong nước”...
Theo một số chuyên gia, để tiếp tục nâng cao và mở rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt” cũng như có những giải pháp hỗ trợ, định hướng có truy xuất nguồn gốc những mặt hàng, sản phẩm thiết yếu.
Thời gian tới nhằm tiếp tục và đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm hàng Việt theo hình thức mới. Đây cũng là một trong những nhóm nhiệm vụ đã được nêu trong Quyết định số 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các chương trình tổng thể và đồng bộ nhằm ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ 4.0 và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng mô hình công nghệ số tại thị trường trong nước.
Điều này nhằm nâng cao vị thế, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hướng tới hàng Việt chinh phục người Việt và tự hào sử dụng hàng Việt.