Nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về Quốc hội

- Thứ Năm, 29/10/2020, 17:30 - Chia sẻ
Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội đã góp phần đưa hình ảnh của Quốc hội đến gần hơn với công chúng; nâng cao nhận thức của người dân về thiết chế đại diện; góp phần nâng cao chất lượng học tập, giáo dục, đào tạo cho học sinh, sinh viên về lịch sử hình thành, phát triển, về cơ cấu tổ chức và hoạt động của Quốc hội, từ đó giúp các em nhận thức rõ hơn, tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội sau này.

Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo trực tuyến (đầu cầu Việt Nam và Nhật Bản) “Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam”, do Văn phòng Quốc hội và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 29.10.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng, Cố vấn trưởng dự án JICA Karasawa Masayuki đồng chủ trì tại đầu cầu Việt Nam (Nhà Quốc hội).

Từ năm 2015, sau khi chính thức được đưa vào vận hành, Nhà Quốc hội đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, khách tham quan trong nước và quốc tế. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tháng 9.2017, Vụ Thông tin đã lần đầu tiên thí điểm tổ chức thành công Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội; thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là các trường học, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục trải nghiệm về Quốc hội được xem là một nội dung quan trọng, được tiến hành thường xuyên nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về Quốc hội.

Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu chia sẻ về Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội
Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu chia sẻ về Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội

Theo số liệu thống kê, từ năm 2017 đến nay, Vụ Thông tin đã tổ chức hơn 40 phiên giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho hơn 3.600 học sinh, sinh viên của một số trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh Nghệ An, Hưng Yên.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến
Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho rằng: Chương trình này do Văn phòng Quốc hội tổ chức trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Quốc hội Nhật Bản và một số nước khác, hướng đến mục tiêu tạo cơ hội một cách rộng rãi cho tất cả các em học sinh lứa tuổi phù hợp được trải nghiệm về hoạt động của Quốc hội, qua đó tìm hiểu, nâng cao nhận thức về cơ quan đại diện của đất nước... Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức Chương trình này, chúng tôi nhận thấy còn cần phải tiếp tục cải tiến để hoàn thiện nội dung và cách thức tổ chức chương trình, với mục tiêu đưa chương trình này trở thành một chương trình giáo dục trải nghiệm phổ biến đối với học sinh phổ thông, góp phần đưa kiến thức về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, kiến thức về pháp luật tới các em, giúp các em trở thành những công dân hữu ích trong tương lai. Việc tổ chức giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cũng góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng của chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo...

Còn theo Cố vấn trưởng dự án JICA Karasawa Masayuki: Thời gian tới, với mục đích góp phần triển khai hiệu quả của Chương trình, JICA muốn tiếp tục hỗ trợ trong việc hoàn thiện hệ thống máy móc thiết bị mà trước tiên phải kể đến thiết bị dùng cho biểu quyết mô phỏng, xây dựng tài liệu, giáo cụ giảng dạy nhằm thúc đẩy việc sử dụng hữu hiệu hệ thống. Trong khoảng thời gian còn lại của Dự án, để duy trì và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, chúng tôi mong muốn được tiếp tục phối hợp với Vụ Thông tin nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa “Chương trình giáo dục trải nghiệm Quốc hội”...

Ng. Phương