Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải đang ngày càng trở nên cấp bách trên toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nước ta đang đối mặt với áp lực rất lớn khi lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, gây ra một phần ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên...
Theo PGS TS Bùi Thị An, đặc thù của rác thải sinh hoạt là năm sau tăng so với năm trước, tháng sau cao hơn tháng trước, và qua theo dõi, đây là vấn đề lớn của xã hội. Bởi khi thu nhập của người dân tăng, mức sống được cải thiện thì tiêu dùng cũng tăng, từ đó rác thải tăng lên.
Đến thời điểm này, có thể thấy rằng giá trị của môi trường đã được xã hội nhận thức. Nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước cũng đã nhiều lần khẳng định, không đánh đổi kinh tế với bất kỳ giá nào, bà An nói.
Theo bà An, rác thải sinh hoạt không còn là vấn đề mới nhưng thực chất công tác quản lý lại là mới. Trước đây ta chỉ quen với các khái niệm quản lý ngành, quản lý bộ, quản lý các cấp đơn vị… chứ chưa thấy ai đề cập nhiều đến quản lý rác thải sinh hoạt. Nhưng đến nay, câu chuyện này được đề cập nhiều hơn. Nếu không quản lý rác thải sinh hoạt tốt trong tổng rác thải chung toàn xã hội, toàn nền kinh tế thì sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Rác thải sinh ảnh hưởng đến an sinh xã hội, ảnh hưởng đến sự nghèo đói, đến bệnh tật và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Từ chủ trương, nhận thức đó đã cụ thể hoá hơn về mặt quy hoạch. Trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh hay thấp hơn… đã xuất hiện “phần” của rác thải sinh hoạt, dù chưa thật sự đủ và chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu.
Bà An cũng cho rằng, muốn quản lý rác thải tốt thì phải có điều kiện để quản lý tốt. Trước tiên, phải nâng cao được nhận thức cho người dân. Bởi ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt không làm chết người ngay, không như ngộ độc thức ăn, thế nên có nơi, có chỗ chưa thật sự coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương mình, ngành mình. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, thường xuyên, đồng bộ.
Cùng với đó, cần tạo điều kiện để quản lý rác thải tốt ở các cấp, phải có điều kiện cho việc phân loại rác từ gia đình, tạo điều kiện cho người vận chuyển, lưu thông.
Vấn đề hiện nay là nhiều địa phương không bố trí đủ không gian, không bố trí đủ điểm, bãi tập kết rác, do đó dẫn đến tình trạng rác thải sinh hoạt không được xử lý đồng bộ. Quản lý phải đi đôi với điều kiện mới quản lý tốt được.
Thực tế cho thấy, lượng rác thải tăng liên tục và qua mỗi ngày lại càng ngày càng tăng mà thành phần trong rác thải sinh hoạt rất phức tạp, nhất là rác thải nguy hại lẫn trong đó. Do đó, cần có những quy định cụ thể, chủ trương có rồi nhưng đi vào kế hoạch thực hiện thế nào, tiến độ ra sao, trao trách nhiệm cho ai phải rất chi tiết, nếu không cụ thể sẽ rất khó thực hiện.
“Còn một vấn đề nữa, khi vướng mắc về kinh phí, tài chính, chúng ta kêu gọi xã hội hóa nhưng lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt này hoàn toàn chưa hấp dẫn. Muốn doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, chúng ta phải tạo điều kiện cho họ có lợi nhuận tương đối, để doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển. Tháo gỡ khó khăn lúc này chính là việc của cơ chế chính sách của Nhà nước, chính sách thế nào, ưu đãi ra sao, ưu đãi cái gì?” bà An nhấn mạnh.
Cuối cùng là công nghệ: bây giờ ta chọn công nghệ nào để tái chế vì đây là điều kiện tiên quyết để có kinh tế tuần hoàn. Cá nhân tôi cho rằng chúng ta phải tạo điều kiện về vật chất, cơ sở hạ tầng, song song với cơ chế chính sách, chế tài nghiêm ngặt quản lý đồng bộ câu chuyện này. Có cơ chế thuận lợi rồi, nếu người thực hiện không triển khai hiệu quả thì phải có chế tài xử lý nghiêm minh.
Thời gian tới, khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, trong trường hợp xã hội hóa thì phải có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho nhiều người tham gia chế biến, vận chuyển và quản lý tài nguyên rác thải. Từng địa phương, tỉnh, thành cũng tuyên truyền để người dân ủng hộ, doanh nghiệp vào cuộc thì công tác quản lý mới tốt hơn.