Nâng cao năng lực và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế
Tỉnh Nam Định xác định, phát triển nhân lực y tế đủ số lượng và bảo đảm về chất lượng; nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế là yêu cầu đặt ra cấp thiết, không chỉ đòi hỏi giải pháp từ ngành y tế mà cần có sự vào cuộc của toàn xã hội.
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực
Thời gian qua, chất lượng đội ngũ cán bộ ngành y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng. Tính từ năm 2020 đến tháng 12.2023, ngành y tế đã cử 63 lượt viên chức đi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới (tại chỗ và tuyến Trung ương).

Toàn tỉnh đã có 23 kỹ thuật mới được đào tạo, chuyển giao trên tổng số 50.669 kỹ thuật đã triển khai thực hiện (tuyến tỉnh có 16.603 kỹ thuật, tuyến huyện 34.066 kỹ thuật). Toàn ngành cử 116 viên chức đi học sau đại học, trình độ tiến sĩ là 1 người, bác sĩ chuyên khoa 2 (6 người), bác sĩ chuyên khoa 1 (84 người), thạc sĩ (21 người); có 9 viên chức được đào tạo sau đại học ở các chuyên ngành đặc thù và 66 người đi đào tạo trình độ đại học, bao gồm liên thông trình độ bác sĩ.
Nhờ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, các cơ sở y tế đã triển khai thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu mà trước kia chưa thực hiện được, như: phẫu thuật thần kinh, sọ não bằng phương pháp mới, phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn trong bao cân, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng, xét nghiệm đo tải lượng virus viêm gan B, C, cấy máu định danh vi khuẩn, xét nghiệm các yếu tố liên quan đến bệnh máu, ung thư, tim mạch...
Đơn cử, tháng 6.2024, Đoàn công tác Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có buổi khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định và đã thực hiện ký kết biên bản khảo sát công tác chỉ đạo tuyến về việc xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật trong giai đoạn tới.
Trong đó, thống nhất các gói kỹ thuật cần chuyển giao về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh với các chuyên khoa như: ngoại tiêu hóa (cắt đoạn dạ dày nội soi, mổ nội soi cắt kén khí phổi, đốt laser trĩ); gây mê hồi sức (hồi sức sau mổ, giảm đau sau mổ); chẩn đoán hình ảnh (can thiệp đốt RFA u gan dưới siêu âm, chụp MRI, chụp mạch não).
Đào tạo các chuyên ngành đặc thù
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định Hoàng Thị Kim Yến, là bệnh viện hạng I, đơn vị quy mô 800 giường bệnh, có 39 khoa, phòng chức năng, gần 800 viên chức, người lao động (trong đó có 179 bác sĩ).
So với quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17.2.2023 của Bộ Y tế hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thì bệnh viện thiếu khoảng 300 người; nhân lực chất lượng cao như bác sĩ chuyên khoa II, tiến sĩ còn thấp (đạt 24%).
Hiện nay, bệnh viện thực hiện được 85% kỹ thuật đúng tuyến và 10% dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến. Tuy nhiên, một số kỹ thuật chuyên sâu tần suất thực hiện thấp: nội soi tiêu hóa can thiệp, phẫu thuật ung thư, phẫu thuật cắt khối tá tụy...
Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện sẽ ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực (bệnh án điện tử, hạch toán chi phí, xây dựng định mức chuyên môn kỹ thuật); nghiên cứu phát triển các Trung tâm chuyên khoa trong bệnh viện như: Trung tâm can thiệp Tim và mạch máu, Trung tâm Lão khoa, Trung tâm Đột quỵ, thành lập Trung tâm (hoặc bộ phận) dịch vụ - hậu cần của bệnh viện.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch chuyển sang cơ sở mới tại Khu đô thị Mỹ Trung, TP. Nam Định, một trong những giải pháp trọng tâm đơn vị tập trung là công tác đào tạo nhân lực. Bệnh viện sẽ cử cán bộ học tập tại các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Đại học Y Hà Nội và bệnh viện K mời các chuyên gia tuyến trên về đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc"… nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định Trần Trung Kiên cho biết, Sở Y tế đã nhiều lần làm việc trực tiếp với các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, Tim Hà Nội... ký các hợp đồng chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu cho nhân viên y tế.
Thời gian tới, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển bệnh viện, trung tâm giai đoạn 2024 - 2030; hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ thuật mới. Đồng thời, kết hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án, sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh để đào tạo nhanh nguồn nhân lực.