Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai cho cộng đồng

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 06:19 - Chia sẻ
Để tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu, công tác tập huấn, đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là điều rất cần thiết. Từ đó, giúp người dân tiếp cận thông tin về biến đổi khí hậu cũng như khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai phù hợp và xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai hiệu quả tại địa phương.

Giảm thiểu tác động tiêu cực từ thiên tai

Mới đây, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động và chương trình tập huấn trực tuyến về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 28 tỉnh ven biển. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, việc nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân khu vực ven biển thông qua tập huấn và đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Đây là nền tảng chính để hỗ trợ ổn định cuộc sống và tạo điều kiện an toàn cho các hộ dân duyên hải thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Công tác tập huấn, đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai là điều cần thiết
Nguồn: ITN

Các khóa tập huấn này cũng đóng góp cho nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng thông qua Quyết định mới 379/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 6.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”.

Dự án sẽ mở rộng các hoạt động tập huấn và chia sẻ thông tin cho 21 tỉnh, thành ven biển khác của Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Cố vấn kỹ thuật cao cấp của UNDP Việt Nam Khusrav Sharifov nhấn mạnh, “với mức độ dễ bị tổn thương của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu và các tác động của thiên tai, điều quan trọng là phải tăng cường năng lực ngay từ cấp cộng đồng. Thông qua quan hệ đối tác với Tổng cục Phòng chống thiên tai và các tỉnh, chúng tôi đang chú trọng vào việc tăng khả năng chống chịu ở tất cả các cấp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của lốc, bão, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn đối với các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương”.

UNDP cũng đã và đang hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai để thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do Chính phủ phát động vào năm 2009 (Đề án 1002). Đến cuối năm 2021, dự án sẽ tiếp cận 520 cộng đồng ở 7 tỉnh ven biển để giúp họ đánh giá rủi ro và hỗ trợ các cộng đồng này xây dựng kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu của riêng họ.

Theo đó, dự kiến sẽ có hơn 10.000 người được tiếp cận thêm các thông tin về rủi ro khí hậu và thiên tai cũng như các hoạt động tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Nâng cao nhận thức của cộng đồng

Công tác đào tạo, tăng cường năng lực về phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng sử dụng nguồn lực của nhà nước còn hạn chế. Do đó, việc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ hỗ trợ thực hiện 520 lớp tập huấn ở các xã dễ bị ảnh hưởng nhất do thiên tai đã đóng góp đáng kể cho công cuộc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của Chính phủ.

Qua 3 năm triển khai, thông qua các lớp tập huấn cho giảng viên nguồn, Dự án đã xây dựng đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và năng lực truyền đạt về phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu từ cấp trung ương đến cấp tỉnh. Các giảng viên nguồn sẽ trực tiếp xuống các xã để đào tạo đội ngũ cán bộ xã về nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giúp xã hoàn chỉnh kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương. Bên cạnh đó, để đảm bảo các ý kiến của cả cộng đồng được lắng nghe, chia sẻ, các khóa đào tạo quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã bao gồm ít nhất 30% phụ nữ tham gia và khuyến khích phụ nữ tham gia với vai trò lãnh đạo trong thực hành các việc đã được đề xuất tại lớp tập huấn.

Nguồn: ITN

Từ năm 2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với ban quản lý dự án, với thành phần 7 tỉnh dự án là Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau tổ chức 373/520 lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã và đánh giá rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có sự tham gia của người dân trong vùng dự án.

Các lớp tập huấn trên đều được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của UNDP để đảm bảo tính minh bạch của cũng như lồng ghép đầy đủ các nội dung của dự án bao gồm nhà an toàn trong phòng, chống thiên tai, trồng và khôi phục rừng ngập mặn, bình đẳng giới và thích ứng biến đổi khí hậu. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã nâng cao năng lực cho hơn 39.000 người dân ven biển.

Tại lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn kiến thức chung về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và thực hành các công cụ đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Sau quá trình đánh giá tại thôn/cụm thôn, học viên thảo luận và xây dựng báo cáo đánh giá rủi ro thiên tai cấp xã, là cơ sở để lập kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó biến đổi khí hậu cấp xã. Thông qua các khóa tập huấn này, chính quyền xã và người dân đã cùng nhau xác định các giải pháp phòng chống thiên tai và xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường khả năng sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó thiên tai và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Trần Tùng