Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, được IMF dự báo sẽ nằm trong Nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới với mức 6,4% trong giai đoạn 2024-2029, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2024-2025, tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số nội dung sau:
Thứ nhất, trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng tránh, khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, bảo đảm tăng trưởng, bởi GDP năm 2024 ước giảm 0,15% do tác động từ thiệt hại của chỉ với cơn bão số 3.
Thứ hai, thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Song hiện vẫn còn 18/129 văn bản dưới luật chưa được ban hành; một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật để đảm bảo thực thi hiệu quả.
Tôi đề nghị, cần sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện đồng bộ khi luật có hiệu lực.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì trong thời gian qua, công tác này vẫn còn hạn chế, cán bộ chưa nắm vững pháp luật lại hỏi cấp trên, thì cấp trên trả lời chung chung là theo quy định pháp luật; người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đầy đủ; công tác phối hợp chưa chặt chẽ. Vì vậy, nếu luật liên quan đến bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải chủ trì cùng với Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp địa phương để tuyên truyền, tập huấn, kịp thời đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Trong kỳ họp này sẽ sửa đổi nhiều luật, trọng tâm là phân cấp, phân quyền cho cấp dưới. Tuy nhiên, theo đánh giá, khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nhất, do đó phải nâng cao năng lực thực thi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tổ chức và cá nhân được trao quyền. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và xử lý trách nhiệm.
Thứ ba, các y bác sĩ là những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp trực đêm ca mổ đã hơn 10 năm qua chưa được thay đổi. Do vậy, tôi đề nghị quan tâm điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp để động viên và hỗ trợ tinh thần cho đội ngũ y tế. Bên cạnh đó, thi vào ngành y đã khó, thời gian học lại dài, học phí lại cao hơn so với ngành học khác, đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành y tương tự như ngành giáo dục hiện nay theo Nghị định 116 năm 2022 của Chính phủ.
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng, với tất cả quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cử tri và Nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài luôn đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực, đưa đất nước ta phát triển đến tầm cao mới và hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.