Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

- Thứ Năm, 14/10/2021, 07:22 - Chia sẻ
Tính đến hết tháng 7.2021, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay lên tới 160 vụ việc. Dù trong năm 2021, số lượng các vụ việc có giảm nhưng theo nhận định trong những năm tiếp sẽ rất khó đoán định...

Các sản phẩm của nước ta bị điều tra phòng vệ thương mại thuộc các sản phẩm nông, lâm thủy sản; gỗ, linh kiện, kim loại, phụ tùng… Việc bị điều tra phòng vệ thương mại sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ nước ta so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế. Sản phẩm xuất khẩu bị áp thuế dễ dẫn đến việc các nhà nhập khẩu có thể sẽ chuyển hướng nhập khẩu, khiến kim ngạch xuất khẩu giảm sút, thị phần bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất thị trường. Hơn nữa bất cứ sản phẩm nhập khẩu nào nằm trong diện bị các doanh nghiệp nước sở tại khởi kiện và khởi xướng điều tra áp thuế cũng sẽ tạo ra bất lợi rất lớn. Cụ thể như ngoài việc giảm sút đơn hàng, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra, chứng minh, làm rõ hàng hóa đó không tác động đến thị trường cũng như năng lực sản xuất của doanh nghiệp nước sở tại.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo nhận định của Bộ Công thương là do hàng hóa xuất khẩu của nước ta tăng nhanh nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA. Do việc cắt giảm thuế quan theo các FTA đã khiến quan hệ thương mại hàng hóa với các đối tác được thúc đẩy và gia tăng mạnh mẽ với mức giá cạnh tranh...

Nhìn ở khía cạnh tích cực, có ý kiến cho rằng, việc ngày càng có nhiều sản phẩm bị các nước điều tra phòng vệ thương mại không quá lo ngại mà ngược lại chứng tỏ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nước ta ngày càng được nâng cao, có tính cạnh tranh cao. Mặt khác, các biện pháp phòng vệ thương mại là thực tế phổ biến trên thế giới, nhất là trong bối cảnh tự do hóa thương mại. Đây là hoạt động bình thường trong nền kinh tế toàn cầu hóa, do vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng về thông tin, tư liệu để sẵn sàng minh chứng khi xảy ra các vụ việc.

Hiện nay, dù nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nước ta về phòng vệ thương mại đã đã được nâng cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải luôn cẩn trọng trong việc tuân thủ các quy chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như những điều kiện liên quan đến xuất xứ hàng hóa... Các cơ quan chức năng, cụ thể Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khi các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó đáng chú ý là xây dựng, vận hành hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại... Mới đây nhất,  Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Phòng vệ thương mại có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại. Do đó, điều cần thiết là cần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý. Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về phòng vệ thương mại để bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích của doanh nghiệp; bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, qua đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Khương Ninh