Dự hội thảo có: Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên Trần Văn Cường, đại diện Cục Công Thương địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho biết: Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống với nhiều mô hình sản phẩm khác nhau như: mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, đúc đồng, chạm khắc gỗ, trang sức, đá quý. Doanh thu của các làng nghề khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa vào tiềm năng của hàng ngàn làng nghề trong cả nước. Những làng nghề này đã tạo việc làm cho trên 5 triệu lao động nông thôn.
Trong những năm qua, sự tác động của quá trình đô thị hóa, hoạt động di cư và hoạt động kinh tế- xã hội của địa phương khiến không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một. Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch... Do đó, để bảo tồn và phát huy các làng nghề và nghề truyền thống cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ các tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động marketing để quảng bá sản phẩm hay dịch vụ nào đó đến đối tượng khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước.
Trong nhiều năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác. Theo thống kê, cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng hiện nay khâu marketing đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến. Do đó, những ý kiến đóng góp thảo luận về việc trang bị cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các chiến lược marketing, trang bị định hướng xuất khẩu dài hạn là việc làm hết sức cần thiết. Về phía các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất mong muốn các cơ quan chính quyền địa phương, bộ ngành tổ chức các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức phát triển sản phẩm, như: tư vấn, hay thường xuyên tổ chức các cuộc thi về sản phẩm, qua đó để các cơ sở có thể học hỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, mỗi nghệ nhân, hộ sản xuất kinh doanh phải coi trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thông tin đại chúng. Chú trọng hoạt động quảng bá qua các hội chợ quốc tế, sự kiện trực tuyến giới thiệu sản phẩm và nghệ nhân…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được chuyên gia hướng dẫn ứng dụng hệ thống bán hàng đa kênh thông qua thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn xây dựng câu chuyện hấp dẫn nhằm tác động mạnh mẽ thương hiệu, chiến dịch của sản phẩm được in trên nhãn, thẻ, bao bì sản phẩm cũng như mọi tương tác vật lý mà khách hàng có khả năng tiếp xúc trong giao dịch. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hiện diện rộng rãi trên Internet và bảo vệ bản quyền…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hoá cho biết: hiện nay hầu hết các sản phẩm vẫn được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc theo đơn hàng từ các nhà bán lẻ lớn trên thế giới, chưa có sự đột phá trong việc quảng bá thương hiệu Việt Nam ra toàn cầu. Năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hiện vẫn còn hạn chế trong các hoạt động marketing. Các kênh online cũng chưa được tận dụng triệt để. Đầu ra sản phẩm thủ công phụ thuộc vào nhiều khâu trung gian... Đây là những tồn tại mà các làng nghề, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất cần khắc phục trong thời gian tới.