Trên thế giới, hòa giải ở cơ sở đã được khẳng định là một biện pháp giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có hiệu quả. Trong năm 2023, Bộ Tư pháp được Dự án “Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026” hỗ trợ xây dựng Tài liệu “Hướng dẫn hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật”.
Tài liệu được ban hành nhằm cung cấp cho hòa giải viên ở cơ sở kỹ năng, cách thức tiến hành hòa giải các vụ việc vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện một cách có hiệu quả và phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên.
Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của tài liệu, lớp tập huấn điểm được tổ chức nhằm đánh giá khả năng ứng dụng vào thực tiễn và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên nguồn, đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh về hoà giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa của công tác hòa giải ở cơ sở.
Bảo vệ trẻ em, bảo đảm cho trẻ em có điều kiện tốt nhất để phát triển là một trong những mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam. Quyền của trẻ em ở Việt Nam luôn được Nhà nước coi trọng và bảo vệ. Điều này được thể hiện trong Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giáo dục, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự... Các chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội.
Đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, pháp luật đều quy định áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (hòa giải, giáo dục…) trước khi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính hay hình sự nhằm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhận thức, sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đều đã thể hiện nhất quán chủ trương, quan điểm này khi giải quyết trường hợp vi phạm pháp luật của người dưới 18 tuổi.
Nguyên giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Nguyễn Phương Lan cho biết, để hòa giải ở cơ sở các vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện cần đáp ứng các điều kiện gồm người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm; người chưa thành niên đã đủ tuổi phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm và tự nguyện tham gia phiên hòa giải; vi phạm pháp luật đủ điều kiện hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
TS. Nguyễn Phương Lan lưu ý khi xác định vi phạm pháp luật của người chưa thành niên có đủ điều kiện để tiến hành hòa giải ở cơ sở hay không thì bên cạnh Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định hướng dẫn thi hành, cần căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự…
Chuyên gia của UNICEF về tư pháp người chưa thành niên của UNICEF Shelly Casey giới thiệu với các học viên về hòa giải ở cơ sở thân thiện với người chưa thành niên. Hòa giải ở cơ sở đối với các vụ, việc vi phạm pháp luật của người chưa thành niên hướng tới đạt được nhiều mục tiêu. Trong đó, mục tiêu cơ bản là giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật hiểu rõ hơn về hậu quả của hành vi vi phạm của mình đối với nạn nhân. Từ đó, khuyến khích người chưa thành viên tự giác sửa chữa, khắc phục hậu quả. Do đó, việc thực hiện hòa giải cần lưu ý bảo đảm phù hợp với độ tuổi, mức độ nhận thức và tâm lý của người chưa thành niên.
Lớp tập huấn được thực hiện theo phương pháp hiện đại, lấy người học là trung tâm, kết hợp giữa thuyết giảng và trao đổi, thảo luận, thực hành làm bài tập nhóm. Phương pháp tập huấn này đã thu hút sự trao đổi, thảo luận, tương tác sôi nổi giữa các học viên và giảng viên, chuyên gia tham dự, đặc biệt giữa các học viên với nhau. Bộ Tư pháp và Dự án UNICEF cũng chú trọng đánh giá hiệu quả của lớp tập huấn thông qua việc khảo sát hiểu biết của học viên bằng việc kiểm tra nhận thức trước và sau tập huấn.
Các học viên đều đánh giá cao về nội dung cũng như phương pháp tổ chức lớp tập huấn và bày tỏ mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với UNICEF tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên trên toàn quốc và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại các địa phương. Đồng thời, xây dựng video mẫu về hòa giải ở cơ sở đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật để giúp hòa giải viên hình dung, dễ vận dụng vào thực tiễn hòa giải. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải nói chung, hòa giải các vụ, việc đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.