Chuỗi thảo luận diễn ra trong 2 ngày 27 và 28.8, thu hút sự tham gia của các nhà báo đang hoạt động trong lĩnh vực chính sách, môi trường, và phát triển cơ sở hạ tầng.
Phát biểu tại chuỗi thảo luận, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng đã chia sẻ về những kinh nghiệm thực tiễn nhằm tiếp cận, phân tích và khai thác hiệu quả, chuyên sâu các vấn đề chính sách hạ tầng số, giao thông, tài chính… Bằng phương pháp trao đổi thảo luận, thực hành các tình huống, Ban Tổ chức kỳ vọng các nhà báo sẽ có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong phân tích, gắn kiến thức thực tế vào khai thác các đề tài về chính sách, đặc biệt là các chính sách về hạ tầng số, giao thông, năng lượng, chuyển đổi số trong khu vực công…
Thực tế, truyền thông chính sách có vai trò thiết yếu trong quy trình chính sách, từ hoạch định đến thực thi, đánh giá và phân tích chính sách. Không chỉ giúp nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định chính sách, truyền thông chính sách còn giúp xây dựng đồng thuận xã hội, kêu gọi sự ủng hộ và chấp hành chính sách của người dân. Nếu công tác truyền thông chính sách không được thực hiện bài bản thì hiệu lực và hiệu quả của chính sách sẽ bị ảnh hưởng.
Báo chí cũng phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản biện của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền. Báo chí đóng vai trò cầu nối giữa các ban, bộ, ngành và các bên liên quan chịu tác động hoặc hưởng lợi từ chính sách. Do đó, mỗi nhà báo, phóng viên cần liên tục trau dồi những kiến thức về chính sách, kỹ năng, phương pháp truyền thông để giúp công chúng hiểu, ủng hộ và chấp hành chính sách, đặc biệt là các chính sách phức tạp.