Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

- Thứ Hai, 24/08/2020, 10:22 - Chia sẻ
Xâm nhập mặn, sạt lở, ô nhiễm không khí… đang là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay vẫn chưa thực sự gắn kết với các chính sách, chiến lược, kế hoạch, quy hoạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để thích ứng với biến đổi khí hậu thì không chỉ TP Hồ Chí Minh mà nhiều đô thị khác của Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Nhiều thiệt hại, rủi ro bởi biến đổi khí hậu

Theo dự báo, thời gian tới, nhiệt độ trung bình của khí quyển sẽ tăng, các tình huống thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn, thời gian kéo dài và cường độ ngày càng mạnh. Bão trong vùng cận xích đạo nhiều hơn; mực nước biển dâng cao sẽ uy hiếp những vùng ven biển và các châu thổ và châu thổ sông Mekong là một trong 3 địa bàn bị đe dọa nhất. Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với ngập, lún chìm, bờ biển bị xâm thực và mặn theo triều ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cao hơn so với năm 2015 - 2016, với 8/13 tỉnh bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập, ranh mặn 4‰ tiếp tục ăn sâu vào đất liền từ 40 - 67km (cao hơn 10 - 15km so với trung bình nhiều năm), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Nguyên nhân là do dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về đồng bằng ở mức rất thấp. Chưa kể, chính việc khai thác quá mức nước ngầm thời gian qua cũng làm sụt lún đất, khiến nhiều tài nguyên bị kiệt quệ và tài nguyên nước bị lãng phí.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, TP Hồ Chí Minh thường xuyên bị ngập nước  

Nguồn: ITN 

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, sạt lở, nước biển dâng, người dân ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng đang phải chịu nhiều tác động do ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng. Những tác động này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của đô thị cũng như ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, đặc biệt là những người nghèo.

Nghiên cứu của Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho thấy, ô nhiễm không khí ở nước ta đã gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 9,86 - 12,45 tỷ USD vào năm 2013. Riêng TP Hồ Chí Minh, con số thất thoát do ô nhiễm không khí là 117 - 183 triệu USD. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay là do lượng phát thải từ hoạt động giao thông; bên cạnh đó là các nguồn thải từ công nghiệp, xây dựng.

Cần sự đồng thuận từ nhiều phía

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến những hậu quả như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải... phần lớn là do các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của con người. Việc khai thác quá mức tài nguyên rừng, nước ngầm đang khiến những nguồn tài nguyên này bị cạn kiệt và gây tác động ngược trở lại cuộc sống của con người. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai rất dễ xảy ra.

Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang Lê Thị Kim Oanh cho rằng, để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần nâng cao chất lượng đô thị bằng việc phát triển không gian xanh và mặt nước, không gian đi bộ theo tuyến, kiến trúc xanh, phát triển không gian mở, không gian công cộng. Bên cạnh đó, tập trung hơn tới việc nâng cấp hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, cung cấp nước và xử lý nước thải, cải thiện phương tiện vận tải công cộng, giảm phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường bền vững.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt  

Nguồn: ITN 

Trong khi đó, theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione, để giải quyết những vấn đề môi trường hiện nay, rất cần sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng. Theo đó, khi chính quyền thắt chặt quy định, đẩy mạnh thực thi và người tiêu dùng có ý thức hơn về môi trường, các doanh nghiệp cũng phải chú trọng cải thiện hiệu suất môi trường và tuân thủ quy định. Với tư cách là người dân cũng như người tiêu dùng, có thể lựa chọn sản phẩm dựa trên hiệu suất môi trường của thương hiệu, bằng cách chọn các sản phẩm và nhà sản xuất thân thiện với môi trường.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước Nguyễn Ngọc Trân nhấn mạnh, cùng với vai trò của chính quyền, vai trò của cộng đồng xã hội gồm cộng đồng dân cư, các hội, các hình thức hợp tác, các doanh nghiệp, các trường... cũng là yếu tố quan trọng. Bởi, con người là thành tố của môi trường, vừa tác động lên môi trường vì sự sung túc của chính mình, vừa gánh chịu hậu quả của những tác động đó nếu chúng sai quy luật. Nói cách khác, sự đồng điệu giữa quản lý nhà nước và cộng đồng xã hội là nền tảng cho phát triển bền vững.

Lê Chi