Luật - Những điểm mới:  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nâng cao hiệu quả phối hợp xây dựng pháp luật

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 07:57 - Chia sẻ
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, với tỷ lệ 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, qua đó, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật.

Gỡ vướng trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương

Giới thiệu về nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2020), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Luật đã sửa đổi, bổ sung 54 điều về nội dung và 14 điều về kỹ thuật, với 9 nội dung mới. Theo đó, Luật quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật cũng như bổ sung ba trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật… 

Nhằm tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật năm 2020 đã sửa 6 điều của Luật năm 2015, bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc xuyên suốt về cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, như trách nhiệm của các cơ quan trong nghiên cứu đường lối, chủ trương của Đảng trước khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp pháp luật. Luật mới đã bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước".

Luật năm 2020 cũng sửa đổi một số quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương. Cụ thể, Luật bỏ yêu cầu lập đề nghị theo quy trình chính sách đối với nghị định quy định tại Khoản 2, Điều 19 và nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 27; đồng thời, sửa đổi, bổ sung 13 điều nhằm quy định cụ thể trình tự, thủ tục lập đề nghị, soạn thảo đối với các loại văn bản này. Để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật mới cho phép HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện ban hành quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới. Bên cạnh đó, ngoài trường hợp “được luật giao", Luật năm 2020 bổ sung trường hợp “nghị quyết của Quốc hội giao" thì HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật  

Tăng cường trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội

Một nội dung nữa, đó là để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Luật lần này tiếp tục tăng cường trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, Luật bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc gửi văn bản thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh đến Ủy ban Pháp luật; quy định trách nhiệm tham gia thẩm thẩm tra về những nội dung liên quan đến lĩnh vực do mình phụ trách. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. 

Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 nhằm nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Cụ thể, Luật mới bổ sung trách nhiệm của cơ quan trình phải có ý kiến bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bổ sung trách nhiệm cơ quan trình đánh giá tác động của chính sách trong trường hợp ĐBQH, nhân dân đề nghị bổ sung và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Luật cũng đã bổ sung việc tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đối với dự án, dự thảo có những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau; quy định Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến ĐBQH để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình.

Luật còn bổ sung trách nhiệm phối hợp của Bộ Tư pháp với cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình và Ủy ban Pháp luật để nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Với mục tiêu khắc phục tình trạng xung đột, mâu thuẫn có thể xảy ra giữa các văn bản quy phạm pháp luật, Luật năm 2020 bổ sung vào Khoản 2, Điều 12 quy định: “Trường hợp văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành có quy định khác với văn bản mới nhưng cần tiếp tục được áp dụng thì phải được chỉ rõ trong văn bản mới đó". Bên cạnh đó, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới đó, thay vì yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ ngay trong văn bản mới như quy định của Luật năm 2015. Luật năm 2020 cũng bổ sung Báo cáo về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án, dự thảo vào hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua; yêu cầu trong hồ sơ đề nghị phải có “dự kiến đề cương chi tiết” thay cho “đề cương”.

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật. Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14.5.2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho người làm công tác xây dựng pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.

 

Ngọc Khánh