Nâng cao hiệu quả phối hợp trong đấu tranh chống buôn lậu
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến tinh vi, có tổ chức và gắn với yếu tố xuyên quốc gia. Trong bối cảnh đó, lực lượng Hải quan vừa phải bảo đảm tạo thuận lợi thương mại, vừa gánh trọng trách kiểm soát chặt chẽ tuyến đầu, đòi hỏi không chỉ năng lực nghiệp vụ mà còn cả cơ chế pháp lý, trang thiết bị và phối hợp liên ngành đồng bộ.
Tăng áp lực kiểm soát
Theo thống kê của Cục Hải quan, từ ngày 15/12/2024 đến 14/6/2025, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.561 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm ước đạt 13.614 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đạt xấp xỉ 461,36 tỷ đồng. Trong số đó, lực lượng Hải quan đã khởi tố 8 vụ và chuyển cơ quan chức năng đề nghị khởi tố 54 vụ khác.
Riêng trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025, cơ quan Hải quan đã phát hiện 93 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa hơn 1.621 tỷ đồng. Trong đó, có 12 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trị giá trên 1.600 tỷ đồng; 81 vụ còn lại liên quan đến các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, mỹ phẩm..., trị giá hơn 21 tỷ đồng.

Không chỉ tăng mạnh về số lượng và giá trị vi phạm, hoạt động buôn lậu còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực, trong đó nổi lên tình trạng gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thông qua các loại hình đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Một trong những điểm nóng trong công tác kiểm soát hiện nay là tình hình vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới. Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách phát hiện 103 vụ việc, bắt giữ 110 đối tượng. Trong đó, lực lượng Hải quan chủ trì 43 vụ, Công an 42 vụ, Bộ đội Biên phòng 18 vụ.
Tang vật thu giữ ước tính gần 2 tấn ma túy các loại, tăng 94,7% so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, có 1.471kg ketamine; 122,39kg cần sa; 32,6kg heroin; 1,86kg cocaine; 273,53kg và 1.899 viên ma túy tổng hợp; 401,7g thuốc phiện; 106kg và 60.000 viên các loại ma túy khác.
Việc các đường dây ma túy có xu hướng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu để ngụy trang, trà trộn đã khiến vai trò của lực lượng Hải quan trở nên đặc biệt then chốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên biên giới.
Số hóa quy trình kiểm tra, giám sát
Mặc dù đã được trao quyền thực hiện một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nhưng trên thực tế, thẩm quyền điều tra của cơ quan Hải quan vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Theo bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, một số chức danh trong lực lượng Hải quan như Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan khu vực, Đội trưởng Hải quan cửa khẩu… đã được giao thực hiện một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, việc xác định cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phối hợp trong điều tra, chuyển giao hồ sơ vẫn còn thiếu thống nhất, dẫn đến tình trạng kéo dài, trả hồ sơ, ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý vi phạm.
Thực tế tại nhiều đơn vị cho thấy, việc tiếp nhận và xử lý nguồn tin tội phạm, giám định, định giá tài sản vi phạm vẫn là khâu yếu. Một số vụ việc bị kéo dài do không xác định được nhanh chóng tính chất pháp lý của hàng hóa. Việc xác định hàng hóa có thuộc danh mục cấm hay không còn phụ thuộc vào kết luận từ các cơ quan chuyên ngành, nhưng quy trình này hiện vẫn thiếu đầu mối rõ ràng và thường mất nhiều thời gian.
Mặt khác, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, giám sát tại nhiều chi cục Hải quan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhiều đơn vị vẫn sử dụng máy soi chiếu thế hệ cũ, không đủ khả năng phát hiện hàng hóa được ngụy trang tinh vi hoặc giấu trong container lạnh, hàng rời.
Một số cửa khẩu phụ, cảng cạn chưa được trang bị đầy đủ máy soi hành lý xách tay, thiết bị phát hiện nhanh ma túy, chất cấm, khiến cán bộ Hải quan buộc phải kiểm tra bằng phương pháp thủ công. Trong khi đó, tội phạm lại sử dụng các thiết bị hiện đại như thiết bị định vị GPS, lớp vỏ ngụy trang hai đáy, hộp kín khí…
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng nhận định, đầu tư trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ là điều kiện thiết yếu để ngành hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ. Không thể yêu cầu cán bộ kiểm soát rủi ro hiệu quả khi chưa có đủ công cụ làm việc.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa chịu áp lực kiểm soát gian lận thương mại, ma túy và tội phạm xuyên biên giới. Yêu cầu đặt ra là lực lượng Hải quan phải chú trọng từ công tác tham mưu đến đấu tranh trực tiếp, tập trung đánh đúng, đánh trúng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Do đó, trong thời gian tới, ngành hải quan sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện cơ chế phối hợp tố tụng; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, số hóa quy trình kiểm tra - giám sát; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ từ kiểm soát rủi ro đến xử lý vi phạm; đào tạo điều tra viên có kiến thức chuyên ngành và tố tụng hình sự; tăng năng lực để giữ vững vành đai kinh tế…