Đồng bộ nhiều biện pháp
Theo thông tin tại Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng của công tác giám sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố” do Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức, trong ngành công an, 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận và giải quyết theo quy định. Cụ thể, năm 2019, đã tiếp nhận 2.438 tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã xác minh, giải quyết 2.311 tin, đạt tỷ lệ 94,79%, chuyển kỳ sau 127 tin. Năm 2020, đã tiếp nhận 2.289 tin; xác minh và giải quyết 2.147 tin, đạt tỷ lệ 93,8%, chuyển kỳ sau 142 tin. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã tiếp nhận 1.271 tin; xác minh, giải quyết 1.076 tin; đang xác minh, giải quyết 195 tin…
Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân cũng trực tiếp tiến hành kiểm sát tại cơ quan điều tra 2 cấp về tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm, giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; 100% tin báo về tội phạm, tố giác, kiến nghị khởi tố đã được Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh Bắc Ninh kiểm sát, bảo đảm việc giải quyết các vụ việc đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ giải quyết hàng năm đều đạt trên 95%, giảm 10% tin báo giải quyết quá hạn.
Có thể nói, công tác tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo chặt chẽ; cơ quan chức năng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác này. Công tác giám sát của HĐND, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn được chú ý, các hành vi phạm tội và tội phạm được phát hiện kịp thời; xử lý theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa các cơ quan chức năng nhất là sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Chú ý việc trao đổi nghiệp vụ, cung cấp thông tin tài liệu, bảo đảm cho việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực thi theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, chống oan sai, hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và xã hội. Tăng cường và đổi mới các hoạt động này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vai trò của Ban Pháp chế, qua giám sát làm rõ được kết quả, ưu điểm cũng như những tồn tại, nguyên nhân và phương hướng khắc phục của từng địa phương, đơn vị được giám sát; báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng
Tác động giám sát chưa sâu
Theo Phó Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Thủy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong tỉnh còn không ít tồn tại, khó khăn, vướng mắc như việc tiếp nhận, phân loại, chuyển tin báo, tố giác tội phạm của một số đơn vị công an cấp xã, nhiều khi còn lúng túng, có tin tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng chậm chuyển đến cơ quan điều tra; thẩm quyền giải quyết một số vụ việc của cơ quan chức năng còn chậm, phải gia hạn thời gian giải quyết, nhất là các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng.
Số lượng các tin báo giải quyết tạm đình chỉ khá nhiều, còn tình trạng phải hủy quyết định sau khi đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; việc trả lời hoặc cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra của một số tổ chức, cơ quan liên quan còn chậm. Một số đơn vị, chất lượng cán bộ chưa cao; số lượng điều tra viên còn mỏng lại kiêm nhiệm nhiều việc khác; cơ sở vật chất trang thiết bị, công cụ hỗ trợ một số địa phương còn khiêm tốn so với yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó, một số quy định trong các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017 chưa phù hợp, không mang tính bao quát, chưa đề cập đầy đủ đến thực tế điều tra của các cơ quan chức năng. Hoạt động giám sát của HĐND và Ban Pháp chế có lúc chưa thường xuyên; chất lượng, hiệu quả và tác động giám sát với lĩnh vực này chưa sâu.
Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng nhấn mạnh, thông qua kết quả Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo có ý kiến đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền Ủy ban MTTQ tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và công tác tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố nói riêng. Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 138 các cấp; giữ vững phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, vận động nhân dân, tích cực và nâng cao tinh thần, trách nhiệm tố giác tội phạm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp, chưa hoàn thiện đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.