Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết, Hội thảo là một trong những bước đi đầu tiên của các trường THPT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cùng với các bên liên quan để thực hiện một mục tiêu rất quan trọng trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12.8.2024, đó là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.
"Hội thảo quy tụ rất đông đảo thầy cô là giáo viên dạy tiếng Anh trong các trường THPT, có những thầy cô có rất nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và cũng có rất nhiều thầy cô có tuổi đời còn rất trẻ. Tôi nghĩ rằng những phương pháp ngày hôm nay được chia sẻ bởi diễn giả khách mời là một gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ những cách làm hay, cùng nhau hợp tác để thúc đẩy năng lực sử dụng tiếng Anh không chỉ cho học sinh mà còn cho chính những đồng nghiệp ở các tổ bộ môn khác. Tôi tin rằng, cách thức thúc đẩy năng lực tiếng Anh của học sinh không chỉ nằm ở phương pháp học, mà còn ở một môi trường thực hành thường xuyên, gắn bó với chính những sinh hoạt học tập hằng ngày của học sinh, và môi trường ấy không chỉ dừng lại ở không gian của một trường nào đó mà phải là của cả một cộng đồng học sinh của thành phố", GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói.
Với sự tham gia của các giảng viên uy tín, thông qua Hội thảo, giáo viên cấp THPT sẽ có cơ hội trải nghiệm và thực hành những ý tưởng mới; bồi dưỡng và phát triển nghiệp vụ giảng dạy, nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trên lớp đối với các giáo viên, qua đó giúp cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, cách thức thúc đẩy năng lực tiếng Anh của học sinh không chỉ nằm ở phương pháp học, mà còn ở một môi trường thực hành thường xuyên, gắn bó với chính những sinh hoạt học tập hàng ngày của học sinh.
Tại Hội thảo, hàng trăm giáo viên chủ chốt, đại diện tổ tiếng Anh các trường trung học phổ thông trên địa bàn đã được tìm hiểu, tập huấn hệ phương pháp học tiếng Anh Linearthinking. Đây là một hệ phương pháp dựa trên tư duy logic, toán học, các nghiên cứu ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ lên việc học tiếng Anh và một số kỹ thuật siêu trí nhớ.
Theo Giám đốc Học thuật của DOL English Hà Đặng Như Quỳnh, nghiên cứu sinh Giáo dục học (Đại học Reading, Vương quốc Anh), Thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh Đại học Nottingham (Vương quốc Anh), Linearthinking bao gồm nhiều kỹ thuật đã được chuẩn hóa như: simplify (đơn giản hóa cấu trúc câu), read connection (đọc sự liên kết giữa các câu), "14 thành 2" (đơn giản hóa tất cả dạng đề của kỹ năng đọc còn 2 dạng), think in English (suy nghĩ bằng tiếng Anh khi không có từ vựng)...