Ưu tiên tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu
So với các địa phương khác trong cả nước, Đồng Nai có nền nông nghiệp đa dạng và có khả năng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa nông sản lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Một số mặt hàng về chăn nuôi, trái cây của Đồng Nai chiếm tỷ trọng đáng kể trong nông nghiệp cả nước, được xuất khẩu qua nhiều quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, việc liên kết mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nước, giúp hình thành nền sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, để liên kết thực sự thành hướng đi bền vững của nền nông nghiệp thì các bên trong chuỗi cũng cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của mình.
Đồng Nai hiện ưu tiên hàng đầu cho việc tạo các chuỗi liên kết trong sản xuất, sơ chế và chế biến sâu. Đây là giải pháp bền vững nhằm thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế. Với hơn 400 chuỗi liên kết sản xuất trong nông, lâm, thủy sản và chăn nuôi, gồm 106 doanh nghiệp, 63 hợp tác xã (HTX) và trên 14.400 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết, Đồng Nai đang là địa phương đi đầu trong việc hình thành chuỗi liên kết vùng.
Một số mô hình chuỗi liên kết điển hình, hiệu quả kinh tế cao đã từng bước được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu Công nghiệp Long Bình, TP. Biên Hòa); chuỗi ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) với sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP 4 sao; chuỗi lúa gạo của Công ty TNHH Lộc Trời (An Giang) quy mô 168ha với sự tham gia của 123 nông hộ trên địa bàn huyện Định Quán; chuỗi bắp cây làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đông Tây (huyện Cẩm Mỹ) với quy mô trên 400ha…
Tại huyện huyện Cẩm Mỹ, trên địa bàn hiện nay có 31 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, trong đó, có 4 chuỗi UBND huyện phê duyệt và 27 chuỗi do các doanh nghiệp, tổ hợp tác tự thực hiện. Phần lớn các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả điển hình như chuỗi liên kết bưởi da xanh tại xã Xuân Mỹ, chuỗi liên kết sầu riêng tại xã Xuân Quế, chuỗi liên kết gà sạch tại xã Lâm San… Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân chỉ cần chuyên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, giá cả. Thị trường lên thì giá lên, còn thị trường xuống thì vẫn bán được giá sàn theo hợp đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tỉnh cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở ngành, các địa phương kiểm tra, rà soát và phát huy các chuỗi liên kết hiệu quả, không để đứt gãy chuỗi. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, gắn với nhu cầu của thị trường.
Hình thành quy trình sản xuất chuyên nghiệp, bảo đảm yêu cầu
Huyện Xuân Lộc là địa phương có nhiều dự án liên kết, chiếm hơn 50% số chuỗi liên kết được phê duyệt của tỉnh Đồng Nai. HTX Suối Cát (huyện Xuân Lộc) có gần 100 hộ dân đang thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao. Nếu như trước đây nhiều vườn ca cao cho thu nhập thấp thì bây giờ đạt 200 - 300 triệu đồng/ha. Đồng thời, vườn ca cao được nông dân đầu tư trở thành điểm tham quan du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho các sinh viên, học sinh trong vùng.
Những năm qua, HTX Nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ xuất khẩu hồ tiêu sang các nước châu Âu. Để ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn, HTX phải có nguồn cung hồ tiêu lớn, đạt chuẩn an toàn. Từ yêu cầu này, HTX đã liên kết với hàng trăm hộ, thành lập các tổ, nhóm hợp tác, nhờ đó đã hình thành một vùng trồng tiêu rất lớn ở huyện Cẩm Mỹ.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San thông tin, hồ tiêu Việt Nam cũng như Đồng Nai có chất lượng tốt, song điều quan trọng là phải tạo ra được các chuỗi liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. Vài năm qua, giá tiêu duy trì ở mức thấp nhưng người dân vẫn hợp tác với HTX Nông nghiệp Lâm San để trồng tiêu. Tương lai việc liên kết giữa HTX với nông dân sẽ bảo đảm nguồn cung hồ tiêu dài hạn, người dân và doanh nghiệp đều hưởng lợi, ông Nguyễn Ngọc Luân khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu cho biết, chuỗi liên kết khép kín sẽ có nhiều thuận lợi vì mỗi một bộ phận sẽ có thế mạnh khác nhau, khi liên kết lại cùng nhau phát triển sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh cho thị trường, cho sản phẩm. Theo bà Hương, khi ổn định về sản lượng, đồng đều về chất lượng, sẽ là "điểm cộng" để đối tác ký kết các đơn hàng dài hạn. Đồng thời, việc hình thành các chuỗi liên kết giúp các địa phương canh tác theo một quy trình, sản xuất chuyên nghiệp và bảo đảm yêu cầu chất lượng, sản lượng ổn định cho đối tác.
Từ việc thay đổi phương thức sản xuất, bên cạnh trồng trọt, Đồng Nai cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã xuất khẩu được thịt gà sang thị trường Nhật Bản, đánh dấu sự thành công của chuỗi liên kết giá trị. Sau thị trường Nhật Bản, thịt gà thương hiệu Việt Nam đã tiếp tục có mặt ở Hong Kong, Singapore, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc..., điều này cho thấy sự hoàn chỉnh của chuỗi liên kết.
Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường