Nâng cao dân trí các dân tộc rất ít người
Ngày 22.12, Bộ GD - ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 2123/QĐ-TTg về Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015. Trao đổi với PV Báo ĐBND, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT NGUYỄN THỊ NGHĨA nhấn mạnh, Đề án đã giúp học sinh dân tộc có điều kiện học tập tốt hơn, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cho các vùng đồng bào dân tộc, từ đó từng bước nâng cao dân trí các dân tộc rất ít người.
Hỗ trợ điều kiện học tập
- Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả sau 5 năm thực hiện Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015?
- Thực hiện quyết định số 2123 của Thủ tướng Chính phủ, qua 5 năm triển khai, chúng ta đã đạt được kết quả rất phấn khởi. Đáng quan tâm nhất là gần 90 điểm trường có học sinh dân tộc ít người học ở 6 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An và Kon Tum đã được xây dựng, giúp học sinh dân tộc có điều kiện học tập tốt hơn, huy động tỷ lệ học sinh đến trường nhiều hơn. Thứ hai, qua 5 năm đã có hơn 400 lượt giáo viên và cán bộ quản lý được bồi dưỡng các kỹ năng đặc thù trong giáo dục học sinh dân tộc rất ít người. Thứ ba, chúng ta đã ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc biệt về học tập cho đồng bào dân tộc rất ít người từ mầm non đến đại học, góp phần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cho các vùng đồng bào dân tộc.
![]() Nguồn: ITN |
Một điểm khá quan trọng là nhận thức của các cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc rất ít người như Cống, Mảng, Si La ở Lai Châu; Bố Y ở Lào Cai; Cờ Lao, Pu Péo ở Hà Giang; hay Brâu, Rơ Măm tại Kon Tum… về giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc rất ít người đã dần thay đổi. Thay vì phải đến từng nhà vận động, hiện nay các gia đình đã thấy được sự cần thiết phải cho con em mình đến trường.
- Trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta gặp những khó khăn gì, thưa Thứ trưởng?
- Các dân tộc rất ít người thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, diện tích rộng, dân cư phân tán, địa hình chia cắt phức tạp nên việc bố trí xây dựng trường lớp gặp nhiều khó khăn. Do đó, trong quá trình triển khai Đề án, một số mục tiêu chúng ta chưa đạt được. Ví dụ, mục tiêu xây dựng 110 điểm trường thì đến thời điểm này mới chỉ xây dựng được gần 90% số phòng học, nhà công vụ cho giáo viên tại các điểm trường lẻ đó. Nguyên nhân do một số địa phương, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, chưa huy động được các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các điểm trường. Hơn nữa, một thực tế hiện nay, tự thân các trường có học sinh dân tộc ít người đã gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất. Vì vậy, việc tổ chức học bán trú cho các cháu trong tình trạng thiếu thốn; trong khi chỉ các đối tượng dân tộc dưới 4.000 người mới được hỗ trợ, các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lại chưa được hưởng các chính sách đặc thù này.
Thu hẹp khoảng cách
- Thực tế nhiều địa phương đang lúng túng giữa hai mức hỗ trợ cho học sinh dân tộc rất ít người và học sinh dân tộc nói chung. Có địa phương cho rằng không cần có mức hỗ trợ đặc biệt cho các dân tộc rất ít người mà thực hiện chính sách chung đối với các dân tộc. Quan điểm của ngành giáo dục như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Một số trường tại các địa phương, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số rất đông, thậm chí chiếm tới 90%. Trong số đó, học sinh dân tộc rất ít người lại có các đặc thù khác nữa. Thứ nhất, lối sống đồng bào dân tộc rất ít người khép kín, còn nhiều hủ tục, trình độ dân trí hạn chế. Chúng tôi nghĩ, các chính sách này để khuyến khích, động viên họ. Hơn nữa, số kinh phí hỗ trợ không chỉ được đồng bào dùng cho sinh hoạt hằng ngày mà còn mua sắm thêm đồ dùng cá nhân và học tập cho các cháu. Nhiều tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang vẫn mong muốn có các chính sách hỗ trợ tiếp theo cho đối tượng này nhằm bảo tồn và phát triển các dân tộc có nguy cơ số lượng dân số còn rất ít. Có những điểm trường chỉ 5 - 7 em, thậm chí ít hơn, nếu chúng ta không có chính sách đặc biệt, có thể các dân tộc này sẽ bị mai một, khó phát triển đồng đều.
- Sắp tới Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng các ban, ngành khác sẽ phải làm gì để Đề án này được thực hiện tốt hơn?
- Giáo dục dân tộc của chúng ta đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn. Trong kế hoạch tổng thể, chúng tôi sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người theo quy định tại Quyết định 2123/QĐ-TTg cho đến khi có chính sách mới đối với các dân tộc rất ít người. Chúng tôi cũng mong muốn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ học tập đối với các dân tộc rất ít người (bao gồm các dân tộc có số dân dưới 10.000 người theo quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14.1.2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016. Đặc biệt, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đang tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội cho các em được tiếp cận giáo dục, nâng cao trình độ học vấn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, các dân tộc.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!