![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long h2.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/2cd8f6c7354f084a763abfccd30bc962d477d92622e3807bd76a61a83db289ef/h2.jpg)
Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả
Tờ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày cho biết, việc xây dựng, ban hành Luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại một số văn bản quan trọng, như Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Kết luận của Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp…
![Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long dbnd_bl_z6309597603232-b51840e2d1a840e1009463da52b1eb8e.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bbf17ac4232b4ab7530eab1ce37348257bd8aa601e6d453eadb564dbf31d8c06f44c1d9efb7111bc3eaf3ea3a386011d0fdd2ebe76a8ac2197360c638df304a3dcd262463f2cd71b6348cac22f4c1ec7f/dbnd_bl_z6309597603232-b51840e2d1a840e1009463da52b1eb8e.jpg)
Dự thảo Luật xây dựng dựa trên 6 quan điểm chỉ đạo, đó là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kế thừa những nội dung còn phù hợp của Luật năm 2015, đồng thời, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Bảo đảm đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật tương xứng với tính chất “đột phá của đột phá” và yêu cầu gắn kết giữa xây dựng với tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
![Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long cac-dai-bieu-du-ky-hop-1.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a3001c7231224a66ecc62d194e2c9569b1359149a051f964b5e1650ffc044fca507a2b93bce4b5b876c59069228acf713e1b/cac-dai-bieu-du-ky-hop-1.jpg)
Dự thảo Luật bố cục gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015), tập trung 7 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật gồm:
Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực; phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy; Bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm; đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quy định trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Kịp thời thể chế hóa chủ trương đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban và các cơ quan tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quán triệt thời gian qua. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh dbnd_br_z6309565995948-87224f1983a8ce24c1d3512a42ff48c5.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bbf17ac4232b4ab7530eab1ce373482572c8435014f0a8a03dc4c8169c649c0d1246a3cdd45aa296d8059852697c6ba89c33002ec895a3859567ac0b1b752e3973760d43ed0086caf33d99ac2c0367972/dbnd_br_z6309565995948-87224f1983a8ce24c1d3512a42ff48c5.jpg)
Thường trực Ủy ban nhận thấy, dự thảo Luật đã cơ bản bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Kết luận số 119-KL/TW ngày 20.1.2025 của Bộ Chính trị và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Dự thảo Luật được thiết kế gọn hơn dù phạm vi điều chỉnh được mở rộng hơn để bao hàm một số nội dung về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật khác được trình Quốc hội xem xét thông qua tại cùng Kỳ họp.
![Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long toan-canh-chu-nhiem-uy-ban-phap-luat.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/c6b8207458d670fd53ca5d13d329a3009f3fad0762762899bc707c163fc08abe7b64ac06e1171b068755efb854fe4a993c39d84dfb841c663bda769c73ed179f092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108/toan-canh-chu-nhiem-uy-ban-phap-luat.jpg)
Về phản biện xã hội và tham vấn chính sách (Điều 6), đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với quy định của dự thảo Luật về phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, vừa tập trung một đầu mối xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phản biện xã hội như hiện hành. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và thống nhất với quy định tại Luật Công đoàn. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể quyền phản biện xã hội độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội.