Nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp HĐND

Bài 1 Thực sự là "nhân vật chính" của kỳ họp

- Thứ Năm, 25/06/2020, 05:35 - Chia sẻ
Để nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp, trước hết đại biểu HĐND phải phát huy trách nhiệm trước cử tri và phải thực sự là nhân vật chính của kỳ họp. Cần vượt qua những rào cản về tâm lý e ngại, sợ va chạm. Đại biểu thảo luận, tranh luận vấn đề nào thì nêu ngắn gọn, trình bày rõ quan điểm, lập luận, chứng cứ và đưa ra kết luận theo quan điểm cá nhân. Chú ý lắng nghe, nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng nội dung, bảo đảm mình nắm chắc vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn.

Thảo luận vừa là nội dung bắt buộc, vừa là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND. Đây là diễn đàn, kênh thông tin quan trọng để đại biểu HĐND phát huy, thể hiện vai trò, trách nhiệm cùa mình đối với cử tri và Nhân dân, trao đổi, mổ sẽ những vấn đề quan trọng, vấn đề còn có ý kiến khác nhau, vấn đề mới phát sinh, vấn đề bức xúc, thảo luận, thậm chí tranh luận để cùng nhau đi đến thống nhất. Đây là cơ sở để đại biểu HĐND quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế số đại biểu tham gia thảo luận chưa thật nhiều, tính tranh luận chưa cao, các đại biểu phần lớn tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ít tham gia thảo luận tại hội trường.

Vượt qua rào cản về tâm lý e ngại, sợ va chạm

Để nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp, trước hết đại biểu HĐND phải phát huy trách nhiệm trước cử tri, thực sự là nhân vật chính của kỳ họp. Để có ý kiến phát biểu chất lượng tại kỳ họp, không có cách nào khác là phải dành thời gian nghiên cứu báo cáo, tài liệu kỳ họp, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát gợi ý thảo luận của chủ tọa. Đại biểu nắm chắc thông tin về những nội dung cần bàn thảo, chủ động đi cơ sở, tiếp xúc lắng nghe ý kiến cử tri, nhân dân và không né tránh khi bàn các vấn đề nhạy cảm.

Tại mỗi kỳ họp HĐND, nhiệm vụ của mỗi đại biểu là dành thời gian nghiên cứu tài liệu, xem xét, thảo luận và cùng quyết định về tất cả những nội dung, chương trình kỳ họp. Trên thực tế, không phải đại biểu nào cũng có thể nắm bắt nhanh, am hiểu sâu về tất cả các lĩnh vực, các vấn đề sẽ đưa ra kỳ họp. Vì vậy, khi lựa chọn vấn đề thảo luận cần căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp và những tài liệu, văn bản đại biểu nhận được trước khi về dự họp. Nên lựa chọn những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, có tác động nhiều, phạm vi rộng trong đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương. Sau khi lựa chọn được vấn đề, đại biểu thu thập thông tin, tư liệu phục vụ cho nội dung sẽ phát biểu; đồng thời, quá trình thảo luận nên đưa ra những vấn đề còn băn khoăn, chưa nhất trí đề nghị các ngành chức năng làm rõ, gắn với các đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Mặc dù không phải đại biểu nào cũng tự tin phát biểu trước đám đông, nhất là trước những người có chức vụ, cương vị cao, để thực hiện tốt nội dung thảo luận, đại biểu cần vượt qua những rào cản về tâm lý e ngại, sợ va chạm; bỏ suy nghĩ tự cho rằng ý kiến của mình chắc gì đã giải quyết được vấn đề; lo lắng sợ ý kiến của mình chưa chắc đã đúng. Luôn lắng nghe, tôn trọng kiến người khác, khi không đồng tình thì có thể đăng ký tranh luận. Tôn trọng sự thật, lấy lợi ích chung làm tiêu chuẩn, không vì động cơ cá nhân khi phát biểu.

Có chứng cứ, lập luận chắc chắn

Khi thảo luận, cần chú ý một số kỹ năng như: Nói thẳng, trực tiếp vào vấn đề, không dẫn dắt quá dài dòng, không trùng lặp với ý nhiều đại biểu khác đã nói; chỉ nói những điều mình nắm chắc, không phỏng đoán hoặc “nghe nói” mơ hồ chưa chính xác. Chú ý giọng nói uyển chuyển, rõ và có điểm nhấn, không nên gay gắt; sử dụng từ ngữ phù hợp, gần gũi, dễ hiểu giúp diễn đạt chính xác quan điểm của mình; nét mặt, ánh mắt thân thiện, dáng điệu tự nhiên, tự tin, không quá cứng nhắc, kèm theo các dẫn chứng bằng số liệu, hình ảnh làm rõ vấn đề mình cần chuyển tải đến mọi người.

Vì thời gian có hạn, đại biểu thảo luận và cần tranh luận vấn đề nào thì nêu ngắn gọn, trình bày rõ quan điểm, lập luận, chứng cứ và đưa ra kết luận theo quan điểm cá nhân. Khi tranh luận, cần chú ý lắng nghe, nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng nội dung, tránh lan man, tranh luận không đúng trọng tâm, trọng điểm, thậm chí làm rối thêm vấn đề. Khi quyết định tranh luận, đại biểu cần bảo đảm mình nắm chắc vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn. Việc đưa ra ý kiến tranh luận để giúp HĐND có cái nhìn bao quát, đầy đủ hơn về cùng một vấn đề. Quyết định đúng sai thuộc về quyền của HĐND, người điều hành phiên thảo luận, quyết định đó, thể hiện ở việc biểu quyết thông qua các nghị quyết. Nếu khuôn khổ thời gian phiên thảo luận không cho phép, đại biểu có thể trao đổi thêm ngoài hội trường.

HÀ HƯƠNG