Hòa Bình

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 05:58 - Chia sẻ
Thiếu hụt nhân lực có tay nghề là một trong những rào cản ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư của nhiều địa phương, nhất là các địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Sớm nhận diện vấn đề này, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp, gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Trong đó, đẩy mạnh giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động và xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập; tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 15.000 lao động/năm; tạo việc làm mới cho 16.000 lao động/năm.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình QUÁCH THỊ KIỀU

Những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh Hòa Bình có sự chuyển dịch mạnh mẽ; dịch vụ, du lịch dần trở thành ngành chủ lực, đứng đầu, công nghiệp chế biến phát triển song hành cùng nền nông nghiệp đang chuyển hướng sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh, xu hướng toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Hòa Bình xác định tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh và là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình xác định quan tâm phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực là người dân tộc thiểu số là một trong ba đột phá chiến lược của địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo việc thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, UBND tỉnh đã có Quyết định số 154 ngày 3.6.2016 về việc quy định ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung dạy nghề chất lượng cao, đột phá vào các ngành kinh tế mũi nhọn, lĩnh vực trọng tâm; tiếp tục huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao tại các doanh nghiệp tham gia hướng dẫn đào tạo nghề; gắn đào tạo với nhu cầu sản xuất và tạo việc làm cho người lao động.

“Hòa Bình đã xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tư vấn hoạch định, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ở các ngành, lĩnh vực trọng yếu. Đến nay, nguồn lao động tại tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không chỉ tăng từng năm, mà còn bảo đảm chất lượng tay nghề”, ông Toàn cho biết thêm.

Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề

Toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và các nghề đạt cấp độ khu vực ASEAN như điện công nghiệp, vận hành máy thi công nền và thanh nhạc. Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quách Thị Kiều, hiện hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều được đầu tư nâng cấp và hoạt động hiệu quả; các ngành nghề trọng điểm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu đào tạo nên đã thu hút được số lượng học viên ngày càng nhiều, giúp chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vượt kế hoạch đề ra. Nhờ vậy, đánh giá kết quả Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh luôn cao hơn trung bình cả nước. Năm 2020, Hòa Bình xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố.

"Tuy nhiên, một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chậm tiến độ; một số cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với một số ngành, nghề yêu cầu trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo lớn...", bà Kiều chia sẻ.

Hòa Bình luôn quan tâm thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương

Ảnh: Trần Tâm 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tỉnh Hòa Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề, định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới cũng như hình thức đào tạo. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động. "Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp; đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục dạy nghề qua các kênh ngày hội việc làm, sàn giao dịch. Đồng thời, tăng cường hơn nữa việc thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, bà Kiều cho biết thêm.

Trần Tâm