Tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác những điểm nghẽn
Đề cập đến công tác lập pháp, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ ấn tượng với bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám.
"Đúng là chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ có mạnh dạn đi qua lối mòn của tư duy thì mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai khẳng định.
Bàn về đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng “luật chỉ quy định những vấn đề khung”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, đây là định hướng đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và kiến nghị, cần thể chế hóa kịp thời định hướng này nhằm tạo căn cứ cho việc tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền XHCN.
Dẫn ví dụ từ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực có thể thi hành được ngay”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, cần rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh phù hợp.
Về trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho biết, theo quy định hiện hành, văn bản hướng dẫn cần được ban hành đồng thời và có hiệu lực thi hành đồng thời với văn bản luật.
Tuy nhiên, tại báo cáo số 524 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này có nêu nhận định: Việc ban hành văn bản chi tiết còn hạn chế, tình trạng chậm ban hành chưa được khắc phục. Năm 2024, số văn bản còn nợ chiếm 13,94%; có 51 văn bản không có hiệu lực đồng thời; 18 văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.
“Tới đây, khi chúng ta đổi mới theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, thì trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ đặt lên vai Chính phủ nhiều hơn, số lượng văn bản hướng dẫn sẽ tăng lên rất nhanh và tính chất sẽ phức tạp hơn vì không chỉ đơn thuần là hướng dẫn”. Lưu ý thực tế này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, về tiến độ, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm cá nhân trong bảo đảm tính kịp thời khi ban hành văn bản.
Về chất lượng văn bản, khi chính các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, rất cần đề cao tính khách quan, tránh lợi ích cục bộ. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Về nhận diện những điểm nghẽn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ những điểm nghẽn. “Nếu như thuộc chức năng của Quốc hội, tôi tin rằng Quốc hội sẵn sàng xử lý kịp thời”. Khẳng định điều này, đại biểu đề nghị, cần nhận diện chính xác những hạn chế do tổ chức thực hiện.
Bày tỏ tán thành với yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh thần “đúng vai, thuộc bài” trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phân tích, "đúng vai có nghĩa là không nhầm vai, không lấn sân, cũng không bỏ vai", theo đó "cần thực hiện đúng trách nhiệm mà Hiến pháp đã quy định, làm trọn bổn phận mà Đảng đã trao và Nhân dân gửi gắm".
Đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát các quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và luật về các tổ chức chính trị và pháp luật có liên quan khác, nhằm xác định cụ thể phạm vi, ranh giới trách nhiệm, quyền hạn, từ đó có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu “đúng vai”. "Khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài, vì nếu không thuộc bài sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Về yêu cầu không luật hóa những quy định thuộc phạm vi Nghị định, đại biểu cho rằng đây là yêu cầu hoàn toàn đúng đắn, song nhìn lại thực tế thời gian qua thấy rằng, trong một số trường hợp, vẫn luật hóa những quy định thuộc phạm vi Nghị định và hầu hết những nội dung này đều do cơ quan soạn thảo đề xuất.
Rà soát thủ tục hành chính ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Dẫn số liệu trong báo cáo của Chính phủ về việc từ năm 2021 đến tháng 8.2024, có 3.001 quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa (chiếm 18,9% trong tổng số các quy định được rà soát), ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thấy rằng những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp, làm lãng phí thời gian, các nguồn lực xã hội và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Để hạn chế tối đa tình trạng ban hành các thủ tục hành chính, rồi lại rà soát để cắt giảm, đại biểu cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là cần tập trung rà soát ngay từ khâu xây dựng ban hành quy phạm pháp luật, trong đó cần đặc biệt chú trọng vào việc xin ý kiến và tổng hợp ý kiến của các các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức đóng góp cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định đầy đủ các bước, quy trình để xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có quy định được đăng tải công khai trên các Cổng thông tin điện tử.
Tuy nhiên, hiệu quả của công việc này chưa cao. "Có những cổng thông tin của các bộ, ngành rất ít người dân truy cập để ý kiến, phản hồi về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, Bộ pháp điển của Việt Nam hiện đang rất lãng phí vì chưa có nhiều tổ chức, cá nhân biết đến và sử dụng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu hướng đến của bộ pháp điển là giúp các tổ chức, cá nhân tiện lợi trong việc tìm kiếm, tra cứu đáp ứng nhu cầu sử dụng và tìm hiểu các quy định của pháp luật", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu vấn đề.
Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ: mức độ hiểu biết, tra cứu, sử dụng bộ pháp điển của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, trong các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cách tra cứu, sử dụng bộ pháp điển và nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử pháp điển.