Nạn nhân mới của bão nợ công

Thu Minh 27/04/2012 07:41

Tại Hà Lan, Chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Mark Rutte vừa tuyên bố từ chức, đánh dấu sự sụp đổ nội các đầu tiên của một nước châu Âu cốt lõi kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát năm 2010. Thêm một nạn nhân của cơn bão nợ công đang hoành hành châu lục.

Hà Lan là một trong những nước giàu nhất châu Âu tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và là một trong 4 nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn xếp hạng AAA. Quốc gia nằm dưới mực nước biển này cũng có tỷ lệ thất nghiệp thuộc diện thấp nhất châu Âu. Tuy nhiên, nền kinh tế Hà Lan hiện đang suy thoái và đang trải qua khủng hoảng bất động sản làm gia tăng mức độ nợ của các hộ gia đình và làm giảm tỷ lệ tiêu dùng nội địa vốn đã thấp. Do tình trạng suy thoái hiện nay, dự kiến thâm hụt ngân sách năm 2013 của Hà Lan sẽ ở mức 4,6% GDP nếu không thực hiện thêm các biện pháp cắt giảm ngân sách. Chính phủ Hà Lan đã đàm phán việc tiết kiệm khoảng 14 tỷ euro bằng việc tăng phí đại học và y tế, nâng tuổi nghỉ hưu lên 66 vào năm 2015 thay vì năm 2020, không tăng lương trong lĩnh vực công và tăng thuế giá trị gia tăng.

Là một nước hạt nhân của Eurozone, nhưng hiện Hà Lan không có mấy khả năng để tuân thủ các quy định về thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) mà chính họ ủng hộ. Thủ tướng Rutte sẽ lãnh đạo một chính phủ tạm quyền để tìm kiếm một thỏa thuận với các đảng chủ chốt khác cho phép ông kịp trình lên Ủy ban châu Âu (EC) kế hoạch tiết kiệm chi tiêu vào ngày 30.4 nếu không muốn bị trừng phạt. Nếu các đảng này không nhất trí được về gói biện pháp tài chính khắc khổ, Hà Lan không thể giảm thâm hụt ngân sách từ 4,7% GDP hiện nay xuống dưới 3% như quy định của EU. Cái vòng luẩn quẩn về thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công sẽ làm cho EU có thêm nạn nhân mới.

EC ít có khả năng sẽ thực hiện các biện pháp để buộc Hà Lan phải tuân thủ. Điều này cho thấy cơ quan này không có khả năng thực thi đầy đủ những quy định của chính mình, đặc biệt là đối với những nước hạt nhân trong EU. Khủng hoảng tài chính ở Hà Lan sẽ kéo theo hậu quả khôn lường đối với chiến lược thoát khỏi khủng hoảng chung của EU. Trước Hà Lan, một loạt chính phủ các nước thành viên EU như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovenia, Italy, Slovakia và Hy Lạp đã bị tan vỡ vì cùng nguyên nhân này. Vào thời điểm các nước như Tây Ban Nha và Italy đã hạ thấp các mục tiêu thâm hụt ngân sách, các nước ngoại vi khác sẽ sử dụng Hà Lan để biện minh cho việc chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng như việc họ không đạt được các mục tiêu về thâm hụt ngân sách. Điều này sẽ làm cho Đức gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo sự tuân thủ các quy định tài chính.

Tại Hà Lan, một đảng khó có thể giành đa số trong Quốc hội. Vì có nhiều đảng có chân trong cơ quan lập pháp, việc thành lập một chính phủ liên minh sẽ mất tương đối nhiều thời gian. Bầu cử ở Hà Lan sẽ không thể thực hiện trước tháng 6.2012. Theo luật, các cuộc bầu cử này có thể sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đảng Tự do và Dân chủ của Thủ tướng Rutte vẫn là đảng mạnh nhất, nhưng vẫn cần liên minh với một đảng khác. Từ nay đến đó, Hà Lan sẽ vẫn là một đất nước bất ổn ở ngay cốt lõi của châu Âu. Ngoài ra, các cuộc bầu cử sắp tới ở Hà Lan cũng sẽ cho thấy cử tri ở một nước hạt nhân của Eurozone ủng hộ biện pháp “thắt lưng buộc bụng” là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở mức độ nào và sự ủng hộ của họ đối với các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi đồng euro mạnh đến đâu?

Như vậy, tình hình chính trị đình trệ trong những tháng tới tại Hà Lan sẽ làm suy yếu các biện pháp giải cứu Eurozone. Các hãng xếp hạng tín nhiệm đã ám chỉ rằng sự không ổn định chính trị có thể dẫn đến việc Hà Lan bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Việc Hà Lan mất xếp hạng tín nhiệm AAA sẽ tác động đến toàn châu Âu vì xếp hạng tín nhiệm của nước này có ảnh hưởng đến xếp hạng của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) - quỹ cứu trợ châu Âu duy nhất hiện nay.

Hơn nữa, Quốc hội Hà Lan chưa phê chuẩn quỹ cứu trợ thứ hai và thường trực của châu Âu - Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), quỹ dự kiến sẽ thay thế EFSF vào tháng 7 tới. Trong tình hình hiện nay, Quốc hội Hà Lan có thể sẽ không phê chuẩn ESM, đồng nghĩa với việc ESM vẫn sẽ không có hiệu lực. Điều này có thể tạo ra những căng thẳng mới trên thị trường và khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không muốn cứu giúp châu Âu.

Hà Lan cũng chưa phê chuẩn hiệp ước tài chính châu Âu. Nhiều đảng phản đối hiệp ước này vì họ cho rằng Brussels đã đòi hỏi áp dụng các quy định quá khắt khe về ngân sách. Dù sự tham gia của Hà Lan không phải là yếu tố bắt buộc để hiệp ước tài chính này có tác dụng, nhưng việc nước này không phê chuẩn là một thất bại lớn đối với Đức.

Những yếu tố trên có thể dẫn đến áp lực thị trường gia tăng và sự sụp đổ của Chính phủ liên hiệp ở Hà Lan vì mâu thuẫn về tiết kiệm chi tiêu sẽ gây bất ổn và khó khăn mới cho EU.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nạn nhân mới của bão nợ công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO