Cảnh báo tình trạng ô nhiễm ở mức cao
Trong số những thành phố trên, New Delhi là nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Chất lượng không khí tại thủ đô Ấn Độ đã suy giảm trầm trọng trong tuần qua do việc đốt đồng của nông dân các bang Haryana và Punjab kế bên. Một làn sương mù dày đặc đã bao phủ dinh tổng thống trong những ngày qua và làm giảm tầm nhìn ở thủ đô. Độ tập trung của bụi mịn (PM2.5) là 523mg/m3, cao hơn 104 lần so với ngưỡng lành mạnh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.
Loại bụi mịn này, có kích thước nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc, có thể đi vào mạch máu thông qua phổi nếu tiếp xúc lâu dài, và đã được liên kết với bệnh tim mãn tính và các bệnh hô hấp. Khói bụi được thổi sang từ các bang lân cận đã khiến bầu trời trong tình trạng xám xịt, hạn chế tầm nhìn và người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, các hoạt động khác cũng góp phần dẫn đến ô nhiễm là khí thải của các phương tiện, việc xây dựng, đốt rác tại các khu xử lý rác thải.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của New Delhi mới đây đã ghi nhận xuống ở mức 440 vào ngày 10.11. Sự suy giảm đáng kể này đã thúc đẩy chính phủ trung ương phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp theo Giai đoạn IV của Kế hoạch hành động ứng phó theo cấp độ (GRAP). Kế hoạch hành động của GRAP được chia thành bốn giai đoạn, trong đó Giai đoạn IV là quan trọng nhất, được kích hoạt khi mức AQI vượt quá 450.
Theo hãng tin Bloomberg, nhiệt độ thấp vào mùa đông cộng thêm gió lặng khiến các hạt vật chất lơ lửng trong khí quyển, kéo giảm chất lượng không khí xuống mức rất thấp. Trước tình trạng đáng báo động này, để bảo đảm an toàn cho học sinh, chính quyền thủ đô New Delhi đã đưa ra thông báo đóng cửa tất cả các trường công và tư từ ngày 9-18.11, nghỉ Đông sớm hơn dự kiến ban đầu là vào tháng 1. Bên cạnh đó, các xe tải hạng nặng cũng tạm thời bị hạn chế lưu thông và cấm một số hoạt động xây dựng.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm cũng đang đe dọa giải vô địch cricket thế giới đang diễn ra ở Ấn Độ, khiến đội tuyển Sri Lanka buộc phải hủy buổi tập vào cuối tuần. Trước tình hình này, ban tổ chức đã công bố lệnh cấm bắn pháo hoa đối với các trận còn lại của giải. Nhà chức trách đang nỗ lực giải tỏa khói bụi cho thành phố, thực hiện các biện pháp khẩn cấp bao gồm tạm dừng các hoạt động không cần thiết. Trong khi đó, người dân đang đổ xô đi mua máy lọc không khí và giảm ra ngoài để tránh tiếp xúc khói độc.
Cuộc khủng hoảng chất lượng không khí đã lan sang một số thành phố khác ở các bang lân cận Haryana, Rajasthan và Uttar Pradesh, và tất cả đều báo cáo mức độ ô nhiễm nguy hiểm. Các thành phố xung quanh Delhi, bao gồm Ghaziabad với AQI là 413, Gurugram ở 369, Noida ở 403, Greater Noida ở 396 và Faridabad ở 426, cũng ghi nhận mức chất lượng không khí nguy hiểm vào lúc 7 giờ sáng.
Mối nguy cho sức khỏe con người
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy chất lượng không khí kém có tác động lớn đến sức khỏe con người và môi trường. Dịch vụ đo chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir hôm 6.11 ghi nhận mức độ ô nhiễm ở Delhi cao gần 80 lần giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Việc tiếp xúc với bụi mịn có thể làm suy giảm chức năng nhận thức và miễn dịch, dẫn đến rối loạn phổi và tim. Theo một nghiên cứu năm 2021 của Viện Chính sách năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC, Mỹ), không khí xấu có thể làm giảm tuổi thọ của người dân Delhi tới 9 năm.
Các bác sĩ cũng ghi nhận sự gia tăng các bệnh về da. Ngoài ra, một phân tích từ 25 nghiên cứu trên tạp chí Down To Earth cũng cho thấy chất lượng không khí kém có thể dẫn đến sinh non, chậm phát triển, chậm tăng trưởng ở trẻ em và thậm chí tử vong. Các bác sĩ trong thành phố cho biết đang nhận thấy ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên người dân khi số bệnh nhân gặp vấn đề hô hấp tăng lên, bên cạnh các triệu chứng như ho, lạnh, đau mắt, khó thở.
Thành phố New Delhi là nơi sinh sống của khoảng 33 triệu người. Nơi đây thường xuyên nằm trong nhóm những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Viện chính sách năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ) ước tính người dân New Delhi có thể bị giảm gần 12 năm tuổi thọ do sống trong môi trường không khí tồi tệ.
Nỗ lực vẫn chưa đủ
Bộ trưởng Môi trường Gopal Rai thông báo, Ấn Độ sẽ áp dụng quy định phương tiện giao thông kiểu "chẵn, lẻ" từ ngày 13 - 20.11 để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, vốn được dự báo sẽ gia tăng sau lễ hội Diwali của người Hindu vào ngày 12.11. Theo đó, những phương tiện có biển số đăng ký lẻ sẽ được ra đường vào ngày lẻ và ngược lại với xe biển số đăng ký chẵn.
Bên cạnh đó, quốc gia này lần đầu tiên lên kế hoạch tạo mưa trong tháng 11 trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí. Ông Gopal Rai cho biết, chính quyền địa phương sẽ cố gắng gây mưa nhân tạo thông qua biện pháp gieo hạt trên đám mây trong tháng này, với hy vọng biện pháp này sẽ giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.
Các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Ấn Độ Kanpur (IIT Kanpur) khẳng định với ông Gopal Rai rằng, việc tạo mây chỉ có thể thực hiện được nếu có mây hoặc hơi ẩm trong khí quyển. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo rằng, do sự xáo trộn thời tiết ở phía Tây đang đến gần, trong những ngày tới từ ngày 20-21.11, những hệ thống thời tiết bắt nguồn từ Địa Trung Hải thường mang lại lượng mưa bất ngờ cho vùng tây bắc Ấn Độ, có thể giúp giảm bớt ô nhiễm.
Dù vậy, bất chấp các giải pháp trên, Ấn Độ vẫn chưa thể xử lý được một trong những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, đó là đốt đồng. Theo Reuters, các nông dân nói họ biết tác hại đối với môi trường, song do thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền, việc tìm giải pháp vẫn rất khó khăn. Khoảng 85% nông dân ở Ấn Độ đều trồng trọt ở quy mô nhỏ, trong khi việc thuê phương tiện dọn dẹp rất tốn kém và phải chờ rất lâu mới đến lượt.
Chính quyền New Delhi đã thực hiện chương trình hành động với các biện pháp như tưới nước lên đường để giảm bụi, cho xây 2 tháp để làm sạch không khí. Mỗi tòa tháp có giá hơn 2 triệu USD nhưng các nhà khoa học cho rằng biện pháp này gần như không hiệu quả. Ngoài ra, chính quyền cũng cấm một số loại xe chạy bằng xăng hoặc dầu diesel và sẽ xử phạt 20.000 rupee (5,9 triệu đồng) nếu phát hiện vi phạm. Nhưng tất cả những biện pháp này vẫn chỉ là tạm thời và chưa thể giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm đáng báo động của Ấn Độ.