Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh

Nắm vững chủ trương, bám sát thực tế

- Thứ Tư, 13/10/2021, 20:17 - Chia sẻ
Chiều 13.10, Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng Đại biểu HĐND cấp tỉnh bước vào buổi làm việc thứ 4. Các đại biểu được nghe PGS.TS. Hoàng Văn Tú, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trao đổi về kỹ năng của đại biểu HĐND cấp tỉnh trong tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết và thẩm tra báo cáo, đề án.

Đại biểu HĐND cấp tỉnh là một trong những chủ thể sáng kiến ban hành nghị quyết. Tuy nhiên theo PGS.TS. Hoàng Văn Tú, để có thể đưa ra sáng kiến nghị quyết hoặc đánh giá được các sáng kiến nghị quyết trong chương trình ban hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân, các đại biểu HĐND phải xác định được vấn đề xã hội đang bức xúc trên địa bàn. Lấy đó làm căn cứ để xác định mục tiêu cho từng nghị quyết.

Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Uỷ viên Thường vụ Quốc Hội PGS.TS. Hoàng Văn Tú
PGS.TS. Hoàng Văn Tú, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trao đổi với các đại biểu

Ảnh: Tùng Dương 

Cùng với đó, đại biểu HĐND cần phát huy vai trò và chức năng thiết lập nghị trình ban hành nghị quyết. Việc thực hiện tốt điều này vừa thể hiện tính trách nhiệm và tính đáp ứng của đại biểu HĐND trước cử tri và nhân dân, vừa góp phần thúc đẩy tính đáp ứng và tính trách nhiệm của HĐND và bộ máy chính quyền nói chung. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cần có 3 giai đoạn bao gồm xây dựng, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; soạn thảo dự thảo và thẩm định dự thảo nghị quyết; thẩm tra, trình, xem xét, thông qua nghị quyết. PGS.TS. Hoàng Văn Tú lưu ý, mỗi giai đoạn đều có nhiều bước thực hiện, nên cần chú ý bảo đảm có lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Sở Tư pháp thẩm định và các ban của HĐND thẩm tra. Đặc biệt, xây dựng việc nghị quyết cần dựa trên các căn cứ, nội dung cụ thể, quan trọng như các vấn đề nổi cộm, thu hút sự chú ý của dân cư địa phương; nếu được đề xuất, xem xét thông qua thì hiệu lực mang lại về kinh tế - xã hội, an sinh… như thế nào, từ đó tham mưu cho HĐND ban hành.

Thêm vào đó, khi tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, biểu HĐND cần có các kỹ năng cơ bản như tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết; tham gia phân tích nội dung trọng tâm, dự thảo nghị quyết; tham gia nhận xét tính hợp pháp, hợp lý của dự thảo nghị quyết.

Đại biểu HĐND tỉnh Long An dự Hội nghị trực tuyến

Ảnh: Tùng Dương 

“Để thực hiện tốt vai trò tham gia thiết lập ban hành nghị quyết, các đại biểu phải tăng cường nắm bắt tình hình thực tế của địa phương; nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề nghị quyết đề cập tới; tăng cường tương tác và tiếp xúc với cử tri nhằm nắm bắt kịp thời và đầy đủ tâm tư, nguyện vọng cũng như phản ánh của cử tri. Sử dụng triệt để mạng lưới thông tin truyền thông, thông tin phản ánh từ báo chí. Đồng thời, cần chủ động hơn nữa trong hoạt động nêu sáng kiến và tăng cường tương tác, tiếp xúc với giới chuyên gia và đội ngũ trí thức để lắng nghe các ý kiến, kiến nghị về các vấn đề xã hội bức xúc cần quan tâm giải quyết”. - PGS.TS. Hoàng Văn Tú khuyến cáo.

Toàn cảnh lớp bồi dưỡng các điểm cầu trực tuyến
Toàn cảnh lớp bồi dưỡng các điểm cầu trực tuyến
Ảnh: Tùng Dương

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu lập pháp, PGS.TS. Hoàng Văn Tú cho rằng, chuyên đề trong chương trình bồi dưỡng do Bộ Nội vụ tổ chức rất bổ ích, cung cấp cho đại biểu, nhất là các đại biểu lần đầu tham gia, các kiến thức, kỹ năng quan trọng khi tham gia xây dựng, ban hành nghị quyết, thẩm tra báo cáo… là nền tảng cơ bản giúp đại biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ông Tú đề nghị các đại biểu tiếp tục rèn luyện tổng hợp các kỹ năng, chủ động học hỏi, nghiên cứu, nâng cao năng lực góp phần triển khai nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND, phát triển nền kinh tế, an sinh xã hội cho địa phương.

Tùng Dương