Nam sinh Trường Đại học VinUni từ sáng lập câu lạc bộ sinh viên tới công ty khởi nghiệp

Câu lạc bộ về phần mềm, công nghệ, trí tuệ nhân tạo do sinh viên Vũ Hồng Phúc cùng 2 người bạn tại Trường Đại học VinUni sáng lập đã phát triển nhiều sản phẩm, dự án mang lại giá trị khi áp dụng trên thực tế, tìm được các khách hàng ở cả trong và ngoài nước. 

Là một trong những sinh viên khoá đầu tiên của Trường Đại học VinUni, qua 3 năm học tập, Vũ Hồng Phúc - sinh viên năm cuối ngành Khoa học Máy tính đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, thể hiện năng lực trên nhiều phương diện, trong đó có nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp.

Nam sinh Trường Đại học VinUni từ sáng lập Câu lạc bộ sinh viên tới Công ty khởi nghiệp -0
Vũ Hồng Phúc - sinh viên năm cuối ngành Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni

Cựu học sinh Amsterdam và "lựa chọn nguy hiểm"

Vũ Hồng Phúc là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tốt nghiệp THPT với thành tích xuất sắc, Phúc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học VinUni.

Nhà trường thực hiện đánh giá chi tiết tương tự như các trường đại học khối Ivy League. Quy trình được thể hiện bằng tiêu chí AACC đặc biệt (Khả năng vượt trội, Khát vọng, Sáng tạo và Cam kết), nổi bật là vòng phỏng vấn với giảng viên VinUni. Trong số gần 4.500 thí sinh ứng tuyển trên cả nước, chỉ 230 thí sinh trúng tuyển - trở thành sinh viên khóa I của Trường Đại học VinUni. 

Hồng Phúc tâm sự, việc lựa chọn VinUni thay vì các trường đại học đã tạo dựng được tên tuổi, ở thời điểm đó, nhiều người cho rằng đây là “lựa chọn nguy hiểm”. Bởi đây là khoá đầu tiên trường tuyển sinh, khó có thể đoán định điều gì sẽ chờ đợi ở phía trước. Tuy nhiên, nam sinh cho rằng đây cũng là cơ hội lớn để phát triển bản thân.

“Ở VinUni, các thầy cô đến từ rất nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới. Em nghĩ họ cùng chung một mục tiêu là có thể tạo ra sức ảnh hưởng, xây dựng những nền móng đầu tiên cho ngôi trường VinUni với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa cho đất nước và thế giới. Em nghĩ điều đó có giá trị với cuộc đời con người hơn là vật chất hay những thứ khác. Đó cũng là lý do em quyết định nộp hồ sơ vào VinUni”, Phúc nói.

Thôi thúc nỗ lực tạo ra giá trị được học hỏi từ các giáo sư hàng đầu

Hồng Phúc chia sẻ, một trong những người thầy truyền cảm hứng nhiều nhất tới em là GS.TS. Laurent El Ghaoui - Viện trưởng Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính. Trước khi đến với VinUni, giáo sư El Ghaoui từng giảng dạy tại Khoa kỹ thuật Điện & Khoa học Máy tính và Khoa Kỹ thuật Công nghiệp & Nghiên cứu Vận hành tại Đại học California, Berkeley (xếp thứ 32 toàn cầu theo QS World University Rankings 2021).

GS.TS. Laurent El Ghaoui cũng giảng dạy môn Khoa học dữ liệu trong chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật tài chính tại Trường Kinh doanh Haas của UC Berkeley.  Ngoài vai trò là nhà nghiên cứu và giảng dạy, ông còn là cố vấn và doanh nhân.

Theo Hồng Phúc, những bài giảng của giáo sư El Ghaoui không chỉ là kiến thức trong sách vở, mà còn là kiến thức ông đã trực tiếp trải nghiệm qua công việc kinh doanh. Đó cũng là lý do sinh viên rất hứng thú trong mỗi giờ dạy của ông.

Nam sinh Trường Đại học VinUni từ sáng lập Câu lạc bộ sinh viên tới Công ty khởi nghiệp -0
Vũ Hồng Phúc là tác giả chính trong nghiên cứu “An Empirical Study of Federated Unlearning: Efficiency and Effectiveness”, được công bố trên Hội nghị quốc tế The Asian Conference on Machine Learning (ACML) 2023

Vũ Hồng Phúc tâm sự, đôi khi, em đặt câu hỏi, tại sao giáo sư El Ghaoui cùng những giáo sư khác, đang ở những trường đại học tốp đầu bên Mỹ lại sang Việt Nam để dạy sinh viên ở một trường mới mở?

Có lần, một giáo sư nói với em rằng, việc thầy đến và cống hiến tại một ngôi trường “start up” có thể đóng góp nhiều hơn, tạo được ảnh hưởng được lớn hơn khi làm việc ở những trường đại học lớn bên nước ngoài. Điều này đem lại giá trị làm cho thầy cảm thấy hạnh phúc hơn”, Phúc nhớ lại và cho biết, câu nói này đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều, thôi thúc em luôn nỗ lực để tạo ra giá trị.

Tại Trường Đại học VinUni, Phúc cùng các bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các giáo sư hàng đầu và được đi nghiên cứu cùng các thầy cô từ năm nhất đại học, được xuất bản các bài báo khoa học. Điều này trang bị cho các em rất nhiều kiến thức để em có thể theo đuổi việc nghiên cứu sau này.

Vũ Hồng Phúc là tác giả chính trong nghiên cứu “An Empirical Study of Federated Unlearning: Efficiency and Effectiveness”, được công bố trên Hội nghị quốc tế The Asian Conference on Machine Learning (ACML) 2023.

Đây là bài báo khoa học nghiên cứu về sự quan trọng của “quyền được lãng quên” (The right to be forgotten) trong học liên kết (Federated Learning - FL) qua việc “unlearning”, góp phần nâng cao tính bảo mật của các hệ thống này. Quyền được lãng quên trong không gian mạng Internet được hiểu là quyền đảm bảo những thông tin riêng tư về cá nhân sẽ bị xóa khỏi các kết quả tìm kiếm trên Internet và các nền tảng lưu trữ khác, nhằm mục đích không cho phép bên thứ ba truy cập thông tin.

Từ sáng lập câu lạc bộ sinh viên tới công ty khởi nghiệp

Ngoài nghiên cứu khoa học, Vũ Hồng Phúc cũng tham gia hoạt động khởi nghiệp từ rất sớm. Tại Trường Đại học VinUni, Phúc cùng 2 người bạn sáng lập Câu lạc bộ Magnus -  một câu lạc bộ về phần mềm, công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Ở đó, Phúc phụ trách mảng nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các dự án.

Theo Hồng Phúc, VinUni là môi trường tập trung nhiều vào nghiên cứu. Trong mảng công nghệ, có rất nhiều những vấn đề sinh viên phải học. Phúc và các bạn mở ra Câu lạc bộ Magnus với mong muốn những sinh viên đi trước, đã có nhiều kinh nghiệm, đã đi làm ở các công ty trong và ngoài nước có thể truyền lại trải nghiệm, kinh nghiệm của mình cho các em khoá sau.

Khi thành lập câu lạc bộ, nhóm sinh viên xác định, những dự án các em thực hiện không phải là dự án “làm cho có” mà phải là dự án thật, có khách hàng thật. Thông qua mạng lưới kết nối của các thầy tại Trường Đại học VinUni, nhóm đã tìm được những khách hàng đầu tiên. Họ không chỉ đến từ Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.

Nam sinh Trường Đại học VinUni từ sáng lập câu lạc bộ sinh viên tới công ty khởi nghiệp -0
​ Vũ Hồng Phúc rạng rỡ khi chia sẻ về Câu lạc bộ Magnus và dự định phát triển Câu lạc bộ thành một công ty khởi nghiệp

Nhóm tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, đưa ra những sản phẩm dùng được, có thể mang lại giá trị khi áp dụng và khác biệt với thị trường. Tất cả đơn hàng đều được đối tác trả phí. Sinh viên tham gia câu lạc bộ vừa được học những kiến thức mà Hồng Phúc cùng các bạn sinh viên VinUni khoá I và khoá II thu thập được khi thực tập trong những công ty mang tầm quốc tế, vừa được trả lương.

“Em nghĩ là tiền lương của các bạn ở đây còn cao hơn là tiền lương nhiều công ty các bạn đi thực tập ở đại học đã trả”, Phúc mỉm cười chia sẻ.

Một số dự án và Phúc và các bạn đã, đang hoàn thành - do các đối tác nước ngoài đặt hàng bao gồm “Surtics” - dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích khảo sát và nghiên cứu thị trường; “Multi-Modal Bilingual Image Retrieval for Medical domain” - dự án phát triển hệ thống tìm kiếm hình ảnh đa ngôn ngữ trong lĩnh vực y tế, góp phần cải thiện hiệu quả chuẩn đoán của bác sĩ.

Ngoài ra, nhóm cũng phụ trách làm phần mềm trong một dự án toàn cầu - là phần mềm với mục đích nâng cao chất lượng y tế qua việc sử dụng các mô phỏng bệnh nhân được kiểm chứng khoa học (scientifically-validated patient simulations) để đo lường và chuẩn hoá thực hành chăm sóc y khoa (healthcare practice). Hơn nữa, dự án góp phần giảm thiểu chi phí chăm sóc y tế và cải thiện kết quả cho người bệnh (patient outcomes) ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMICs).

Nam sinh cho biết sắp tới, em và các bạn dự định phát triển Câu lạc bộ thành một công ty khởi nghiệp, thông qua sự hỗ trợ từ Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni: hệ thống network (kết nối), tư vấn luật, các vấn đề chuyên môn,…

“Ví dụ, GS.TS. Laurent El Ghaoui đã giúp đỡ chúng em rất nhiều về mặt kỹ thuật và cách để tìm kiếm khách hàng. Mạng lưới kết nối của thầy là các đối tác trên toàn thế giới, từ đó giúp chúng em có rất nhiều cơ hội. Ở Trường Đại học VinUni, các thầy cô luôn khuyến khích sinh viên mơ lớn và trợ giúp để sinh viên hoàn thành được ước mơ. Em thấy đây là một môi trường tuyệt vời”, Phúc kể.

Hồng Phúc cho biết đã sẵn sàng cho việc thành lập công ty, nhờ những kinh nghiệm đã có trong thời gian làm việc với các đối tác.

Nam sinh Trường Đại học VinUni từ sáng lập câu lạc bộ sinh viên tới công ty khởi nghiệp -0
Vũ Hồng Phúc: "Một điều rất lớn chúng em nhận được là suy nghĩ không sợ thất bại, luôn thách thức bản thân để tiến lên những cái mới, chinh phục thử thách mới"

Áp lực tạo ra động lực

Bên cạnh dự định về công ty khởi nghiệp, Vũ Hồng Phúc cũng chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học VinUni, em dự định học lên cao hơn, ở chương trình kết hợp giữa VinUni và đối tác là những trường đại học tốp đầu thế giới.

Nam sinh cho rằng, việc trở thành sinh viên khóa đầu của một trường đại học là cơ hội “có một không hai”. Do đó, em cảm thấy có phần áp lực, khi sự thể hiện của bản thân và các bạn sẽ là cơ sở để các tổ chức, doanh nghiệp đưa ra nhìn nhận về sinh viên VinUni. Tuy nhiên, với Phúc, đây cũng là động lực để em phấn đấu nhiều hơn.

Thực tế, qua quá trình học ở trường, cùng sự giúp đỡ rất lớn từ thầy cô, em đã dần hình thành được định hướng rõ ràng trong tương lai.

“Một điều rất lớn chúng em nhận được là suy nghĩ không sợ thất bại, luôn thách thức bản thân để tiến lên những cái mới, chinh phục thử thách mới. Với những sự chuẩn bị này, em có sự tự tin để chinh phục những đỉnh cao, đáp ứng được kỳ vọng của thầy cô”, Hồng Phúc tâm sự.

Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?
Giáo dục

Giải pháp nào để xây dựng thế hệ trẻ bản lĩnh hội nhập, khát vọng để vươn mình trong kỷ nguyên mới?

Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng một thế hệ thanh niên mạnh mẽ, trí tuệ và văn minh để Việt Nam không ngừng vươn lên, trở thành quốc gia phát triển, biểu tượng của khát vọng, sức mạnh và ý chí dân tộc? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, rèn luyện thể chất, bản lĩnh hội nhập và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc? …

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt
Chính trị

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu lao động chuyên biệt

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang kiến nghị quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở đào tạo thực hành theo cấp độ đào tạo và theo vùng kinh tế, để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt theo từng lĩnh vực khác nhau. Qua đó bảo đảm sự cân bằng, hiệu quả về cơ cấu, số lượng, trình độ lao động theo đặc điểm từng vùng kinh tế.

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi
Giáo dục

Giải pháp thu hút giảng viên giỏi

Để thu hút giảng viên trình độ cao, các cơ sở giáo dục đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh đang “tung” nhiều chính sách hấp dẫn. Việc này nhằm tăng chất lượng và quy mô đào tạo, đáp ứng theo chuẩn, đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn
Giáo dục

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT giải thích cách quy đổi điểm xét tuyển đại học 2025 đang gây tranh luận

Chiều ngày 3.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có cuộc trao đổi với báo chí về cách quy đổi điểm các phương thức xét tuyển đại học năm 2025, đang gây tranh luận trên các diễn đàn như cách tính điểm quy đổi giữa các phương thức tuyển sinh?, nếu có sự chênh lệch trong việc quy đổi điểm với thực lực của thí sinh, Bộ có kế hoạch gì để đánh giá lại chất lượng đầu vào?, độ tin cậy về dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ khi xét tuyển đại học?...

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57
Giáo dục

Ba Đại học hàng đầu Việt Nam ký kết hợp tác triển khai Nghị quyết 57

Chiều 3.4, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược gắn với hợp tác của doanh nghiệp theo nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm
Giáo dục

Đề nghị UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh và quản lý hoạt động dạy thêm - học thêm

Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tuyển sinh THCS, THPT và quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg.