Nắm rõ vấn đề, lập luận chắc chắn

THÀNH LÊ 01/07/2020 01:10

​​​​​​​Bảo đảm sự tự tin của chính đại biểu khi trình bày ý kiến tại kỳ họp, thông tin phục vụ thảo luận, chất vấn cần đủ lớn, phải nhiều hơn những gì sẽ hỏi và phát biểu. Khi chất vấn và tham luận, đại biểu cần nắm rõ vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn, không quy chụp trách nhiệm, không vội vàng kết luận người khác sai và chất vấn đại biểu khác; tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra được những giải pháp khả thi.

Bảo đảm sự tự tin khi trình bày ý kiến

Việc lựa chọn nội dung thảo luận và chất vấn căn cứ vào nội dung, chương trình kỳ họp, những tài liệu, văn bản đại biểu nhận được trước khi dự họp và sớm được lựa chọn để có thời gian chuẩn bị, thu thập thêm thông tin, các văn bản liên quan. Để lựa chọn được nội dung phù hợp, đại biểu HĐND liên hệ chặt chẽ để thu thập, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu kỹ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các báo cáo của các cơ quan. Nên lựa chọn những nội dung thảo luận, chất vấn bản thân hiểu sâu; lựa chọn những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân mà đông đảo cử tri địa phương quan tâm; những vấn đề thời sự ở địa phương chưa được xem xét giải quyết, nhất là những nội dung có tác động nhiều, phạm vi rộng trong đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương, hoặc những vấn đề đang có nhiều ý kiến, nhiều phương án xử lý khác nhau…

Sau khi lựa chọn được nội dung thảo luận và chất vấn, đại biểu tiếp tục đi thực tế, nắm tình hình, thu thập thông tin, tư liệu; tham gia đầy đủ các buổi tiếp dân, TXCT, chủ động nắm bắt dư luận xã hội, qua các phương tiện thông tin đại chúng… Chú ý thông tin phục vụ chất vấn, thảo luận đủ lớn, đủ tầm, phải nhiều hơn những gì sẽ hỏi và phát biểu để bảo đảm sự tự tin của chính đại biểu khi trình bày ý kiến tại kỳ họp. Trong thảo luận, nên làm rõ các vấn đề đồng tình, những vấn đề chưa nhất trí đề nghị làm rõ hoặc bổ sung chỉnh sửa, có số liệu hay nhận định, đề xuất kiến nghị cụ thể.

Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Ảnh: Thành Lê
Đại biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Ảnh: Thành Lê 

Sử dụng những dẫn chứng cụ thể

Hằng năm, Thường trực HĐND cần phối hợp tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho các đại biểu về kiến thức quản lý nhà nước, thẩm quyền của các cấp, các ngành trong thực hiện các chính sách, pháp luật; tổ chức các hội nghị trao đổi học tập kinh nghiệm cho đại biểu HĐND, nhất là kinh nghiệm chất vấn và tham luận. Cung cấp các văn bản liên quan đến chính sách, pháp luật mới ban hành cho đại biểu HĐND để nghiên cứu cập nhật, nắm rõ chính sách, pháp luật của nhà nước, từ đó có thể hướng dẫn, giải thích trực tiếp các nội dung cử tri đề xuất, kiến nghị.

Sau khi lựa chọn nội dung thảo luận và chất vấn, đại biểu tìm hiểu kỹ thông tin và các quy định liên quan đến nội dung tham luận, chất vấn, tái chất vấn. Mục đích của chất vấn và thảo luận là làm rõ vấn đề và tìm hướng giải quyết, vì lợi ích chung. Không chất vấn để lấy thông tin đơn thuần, không vì mục đích cá nhân, không lợi dụng chất vấn để hạ uy tín cá nhân, tổ chức, cơ quan. Tính xây dựng trong chất vấn và trả lời chất vấn phải được đề cao, có như vậy vấn đề mới được xem xét, giải quyết thấu đáo.

Việc đặt câu hỏi chất vấn cần ngắn gọn, đầy đủ về ý, đúng trọng tâm, dễ hiểu. Đại biểu nắm thông tin chính xác, trên cơ sở đi thực tế hoặc qua giám sát để lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm chất vấn. Cần nghiên cứu kỹ nội dung trả lời của người bị chất vấn để tìm thêm thông tin và có thể truy vấn thêm làm rõ hơn nội dung chất vấn đã lựa chọn. Khi thảo luận, đại biểu chú ý một số kỹ năng như: Nói thẳng, trực tiếp vào vấn đề, không dẫn dắt quá dài dòng, không trùng lặp với các ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước; chỉ nói những điều mình nắm chắc; dẫn dắt để mọi người cùng đồng tình với quan điểm của mình; nên sử dụng những dẫn chứng cụ thể... để làm sáng rõ, sinh động và có sức thuyết phục. Khi phát biểu, chú ý giọng nói cần điềm tĩnh, khiêm tốn, không nên gay gắt, nặng nề; sử dụng từ ngữ trong sáng dễ hiểu giúp diễn đạt chính xác quan điểm của mình; nét mặt, ánh mắt luôn thân thiện, dáng điệu tự nhiên, tự tin.

Tranh luận để tìm giải pháp khả thi

Khi chất vấn và tham luận đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, không nể nang, e ngại. Quá trình chất vấn và tham luận, tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra được những giải pháp khả thi. Đại biểu HĐND khi chất vấn cần có thái độ phù hợp nhằm thể hiện đây là vấn đề mình rất quan tâm, có tầm quan trọng; người chất vấn không nên có thái độ gay gắt, làm cho người trả lời có thể bị ức chế và không khí phiên chất vấn trở nên căng thẳng không cần thiết.

Đại biểu HĐND chú ý lắng nghe câu trả lời, nhanh chóng phân tích, đánh giá câu trả lời có đáp ứng yêu cầu câu hỏi của mình không, nếu chưa rõ có thể tiếp tục đặt câu hỏi bổ sung để làm rõ nội dung chất vấn. Khi tranh luận, cần chú ý lắng nghe, nắm chắc nội dung đại biểu khác nói để tranh luận đúng nội dung, tránh lan man. Thường ý kiến tranh luận nảy sinh khi nghe đại biểu khác phát biểu, do vậy khi đăng ký tranh luận đại biểu cần bảo đảm mình nắm chắc vấn đề, có chứng cứ và lập luận chắc chắn, không quy chụp trách nhiệm, không vội vàng kết luận người khác sai và chất vấn đại biểu khác.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nắm rõ vấn đề, lập luận chắc chắn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO