Năm kết thúc những bí mật

Diệu Minh 28/12/2010 00:00

Người sáng lập trang web WikiLeaks -Julian Assange- đã trở thành “Nhân vật của năm 2010” theo sự lựa chọn của ban biên tập và độc giả Le Monde (Pháp) - một trong những tờ báo uy tín hàng đầu thế giới, sau khi để tuột danh hiệu trên trong cuộc bình chọn của tạp chí danh tiếng Time (Mỹ).

08-Nam-2010-36210-300.jpg

Cuối năm là dịp để các tuần báo ở Pháp ra số đặc biệt với những hồ sơ đặc biệt. Riêng Le Monde Magazine trang trọng dành ảnh bìa trang nhất số phụ trương (ra ngày 25.12.2010) cho người đàn ông trẻ tuổi tóc bạc Julian Assange. Phía sau bức chân dung khổ lớn này, Le Monde đã vẽ lại quá trình bước vào làng thông tin đại chúng thế giới của Assange, một người cách đây ba năm vẫn chưa được biết đến, nay đã trở thành nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất. Người đánh giá Assange là một anh hùng mới trong làng báo chí, là hình mẫu của một “nhà thám hiểm thế kỷ XXI”. Người khác lại cho ông là một kẻ hoang tưởng vô trách nhiệm, kẻ thù của nền dân chủ phương Tây. Khi được hỏi về nghề nghiệp, ông chủ WikiLeaks trả lời khá dài dòng: “Tôi là nhà tranh đấu, nhà báo, lập trình viên, chuyên viên mã hóa, đặc biệt là trong các hệ thống nhằm bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền”.

Giải thích về việc bình chọn trên, Tổng biên tập báo “Le Monde” Sylvie Kauffmann cho biết, Julian Assange là nhân vật đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên sân khấu quốc tế, đã làm thay đổi nhiều điều và là một nhân vật được biết đến nhiều nhất trên thế giới trong năm qua với sự cộng tác của năm tờ báo uy tín nhất thế giới (gồm Le Monde, The New York Times, The Guardian, El Pais và Der Spiegel). Trong bài viết về WikiLeaks ngày 24.12, tác giả nêu rõ tạp chí Time đã do dự để rồi cuối cùng chọn Mark Zuckerberg. Le Monde cũng do dự như vậy, nhưng rồi đã chọn Julian Assange. Cha đẻ Facebook đã làm cuộc cách mạng truyền thông hàng ngày trên Internet, còn cha đẻ WikiLeaks đã làm đảo lộn cuộc tranh luận rộng rãi về công khai hóa.

Sinh ra tại một thị trấn ở Đông Bắc Australia, lúc nhỏ Julian Assange đã theo mẹ “lang bạt” nhiều nước, thường xuyên phải đổi trường, và đó cũng là yếu tố tạo cho nhà lập trình tương lai thói quen tự học. Ở tuổi thiếu niên, Assange đã trở thành một “hacker” lừng lẫy và từng bị kiện ra tòa. Năm 18 tuổi, Assange thành lập một công ty dịch vụ Internet nhỏ tại quê nhà, đấu tranh không khoan nhượng cho quyền tự do ngôn luận trên mạng. Trong một tiểu luận công bố năm 2006, ông cho rằng trong lịch sử, việc bất ngờ phát hiện các thông tin mật của giới chính trị gia hay giới cầm quyền thường gây ra những đảo lộn chính trị - xã hội, và trong thời đại Internet, có thể thúc đẩy những cuộc cải cách to lớn với một cái giá không đáng kể. Cùng năm đó, Assange quyết định biến lý thuyết thành hành động, qua việc thành lập một trang web dành cho những ai muốn tố cáo các hành động bất hợp pháp, vô đạo đức của giới lãnh đạo và các chính khách. Ông tạo ra một hệ thống bảo đảm an toàn tuyệt đối, không thể truy tìm được nguồn gốc tin tức. Tài liệu gửi đến sẽ được mã hóa rồi đưa qua một mạng lưới bí mật gồm các máy chủ vô danh và an toàn, đặt tại nhiều nước trong đó có Thụy Điển, quốc gia bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Với sự trợ giúp của một đội quân tình nguyện từ khắp nơi trên thế giới, WikiLeaks chính thức ra đời tháng 12.2006.

Bắt đầu bằng việc tung các tin tức về hệ thống tham nhũng của cựu Tổng thống Kenya, và vụ cảnh sát nước này tra tấn, sát hại hàng trăm chính trị gia đối lập, WikiLeaks đã gây tiếng vang lớn và thu hút sự chú ý của báo giới... Nhưng phải đến năm 2010, WikiLeaks mới thật sự trở thành một hiện tượng toàn cầu khi công bố hàng loạt tài liệu mật của Mỹ với nội dung gây chấn động. Bắt đầu từ đoạn băng video được đưa lên mạng hồi tháng Tư, “lột trần” vụ một máy bay trực thăng Mỹ xả súng vào chiếc xe chở dân thường ở Baghdad (Iraq). Tia chớp này mới chỉ báo hiệu cho cơn bão lớn đang đến gần. Đến tháng Bảy, WikiLeaks tiếp tục công bố 75.000 tài liệu về chiến tranh Afghanistan. Ba tháng sau, 400.000 báo cáo chiến tranh Iraq được WikiLeaks tung lên mạng, trở thành “vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất” trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng tất cả vẫn chưa thể so sánh với “cơn sóng thần dữ liệu” cuối tháng 11 vừa qua, khi 240.000 bức điện tín ngoại giao của các cơ quan ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới bị “phơi bày” trên 5 tờ báo lớn hàng đầu thế giới.

Với việc “tung ra” những quả bom sự thật trên, nhiều tờ báo cùng độc giả mạng của họ và các hãng tin trên thế giới cũng bình chọn Julian Assange hoặc WikiLeaks là sự kiện nổi bật trong năm. Độc giả tạp chí Time cũng đã chọn Assange là “Nhân vật của năm” mặc dù sau đó ban biên tập báo đã quyết định gạt “kẻ thù của nước Mỹ” khỏi vị trí số một. Trong khi đó, hãng tin AP (Mỹ) chọn WikiLeaks là một trong mười sự kiện thời sự lớn nhất trong năm, còn hãng tin AFP (Pháp) và báo The Telegraph (Anh) cho rằng năm 2010 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là “Năm của WikiLeaks”.

Còn với Le Monde, năm 2010 là “năm kết thúc những bí mật” và thế giới đã để hổng một lỗ khóa khổng lồ mà không ai có thể cưỡng lại để không nhìn vào.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Năm kết thúc những bí mật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO