Khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của Cuộc vận động
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nam Định vừa phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Cục Quản lý thị trường Nam Định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Nam Định và huyện Ý Yên tổ chức tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị triển khai qua gần 15 năm và hiện nay đang bước sang giai đoạn mới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.
Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung và của tỉnh Nam Định nói riêng.
Thời gian qua, nhằm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, nhiệm kỳ 2024 - 2029, các cấp ủy của tỉnh Nam Định đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong thực hiện cuộc vận động. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thể hiện sự gương mẫu, đi đầu trong công tác này; từng cấp, ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai cuộc vận động.
Qua đó, đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp - tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định Đặng Phúc Giao, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Nam Định đã chủ động xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch công tác, gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Hội nghị tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thông qua sự kiện, nhằm tuyên truyền, vận động người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; nâng cao kỹ năng của người mua - là người tiêu dùng thông minh; không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng; định hướng cho người tiêu dùng khi lựa chọn mua sắm hàng hóa; đồng thời góp phần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Điểm bán hàng Việt” - Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt bền vững
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Nam Định cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thống kê trong 3 năm, Sở Công Thương đã triển khai xây dựng thành công 2 “điểm bán hàng Việt” cố định trên địa bàn thành phố Nam Định. Các mô hình này đã trở thành địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều người dân, là một trong những kênh phân phối, đưa hàng hóa Việt đảm bảo chất lượng đến với người tiêu dùng, góp phần phát triển thị trường trong nước với hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững.
“Điểm bán hàng Việt” được lựa chọn để xây dựng đảm bảo các tiêu chí cơ bản như: Hàng hóa được bày bán tại đây phải đạt 100% là hàng hóa sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm…
Tại “Điểm bán hàng Việt” do Sở Công Thương tỉnh Nam Định tổ chức đã có hàng nghìn mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản; hàng công nghệ phẩm do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó, có trên 70% sản phẩm là hàng hóa do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, có những sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP nổi tiếng như: Gạo sạch Toản Xuân; nước mắm Ninh Cơ, Lâm Bão; muối sạch, muối dược liệu; thủy hải sản Hùng Vương; nông sản sấy khô Minh Dương; rau tươi Nam Cường, Ngọc Anh; nấm ăn, nấm dược liệu Linh Phát…
Ngoài ra, các “Điểm bán hàng Việt” còn có cả những đặc sản nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước, như chè khô Thái Nguyên; nấm, mật ong rừng Tây Bắc; bún, miến Cao Bằng, Điện Biên; bánh cáy Thái Bình; bánh cốm Hà Nội… và nhiều loại rau củ quả tươi sống các vùng miền. Qua đó, góp phần phát triển hệ thống phân phối, quảng bá các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương tới người tiêu dùng. Đây cũng được xem là đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm khách hàng để liên kết, hợp tác kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt một cách bền vững.
Theo hướng dẫn của ngành chức năng, điểm bán hàng được chọn xây dựng phải đáp ứng đủ các tiêu chí: diện tích cửa hàng tối thiểu phải đạt 60m2 trở lên; hàng hóa được trưng bày theo kiểu cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh, có biển hiệu (theo ma-két hướng dẫn của Bộ Công Thương). Hàng hóa kinh doanh trong điểm bán hàng phải là 100% hàng hóa được sản xuất trong nước, đảm bảo đúng, đầy đủ điều kiện đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật.
Với những tiêu chí đó, Sở Công Thương đã lựa chọn Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định là đơn vị phối hợp xây dựng mô hình “điểm bán hàng Việt”. Đến nay, Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định duy trì hiệu quả mô hình với hàng nghìn sản phẩm Việt được bày bán thường xuyên, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Phát huy hiệu quả của mô hình “Điểm bán hàng Việt”, Sở Công Thương tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục rà soát, lựa chọn xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, nhằm giúp người dân được mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; tạo dựng hình ảnh, uy tín và lòng tin của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất trong nước