Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
Theo ước tính ban đầu của UBND thành phố, cơn bão số 3 đã làm đổ gãy: 1.282 cây xanh; 19 cột điện, 3 cột đèn chiếu sáng, 30 biển báo giao thông và hư hỏng nhiều cột đèn chiếu sáng và đường dây điện; gây sự cố mất điện tại Trạm bơm Quán Chuột, đã kịp thời xử lý sau 15 phút; đổ 30m tường bao UBND xã Mỹ Trung và 1 đoạn tường bao Trường Mầm non Lộc Vượng. Về sản xuất nông nghiệp có hơn 50ha diện tích cấy lúa thuần bị thiệt hại nặng (từ 30%-50%) và 773ha bị thiệt hại một phần (dưới 30%); 285ha diện tích hoa màu bị thiệt hại nặng (từ 30%-50%); 120ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại nặng (từ 30%-50%); 10,2ha cây ăn quả tập trung thiệt hại một phần (dưới 30%); 5ha diện tích nuôi cá truyền thống thiệt hại một phần (dưới 30%)...
Về tình hình ngập úng, bão số 3 đã làm ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường: Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Ngã 6 Năng Tĩnh, Quang Trung... kéo theo khoảng 958 ngôi nhà bị ngập nước...
Trước thực trạng đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị, UBND phường, xã huy động mọi nguồn lực, phương tiện khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của bão số 3. Phòng Quản lý đô thị; Công ty Cổ phần công trình đô thị: chủ trì, phối hợp với UBND các phường, xã, các lực lượng chức năng huy động tối đa nhân lực, phương tiện để tập trung xử lý, khắc phục, giải tỏa nhanh nhất số lượng cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng bị gãy, đổ, biển quảng cáo hư hại; ưu tiên xử lý các các tuyến giao thông trục chính, các khu vực trung tâm chính trị, văn hóa của thành phố; bố trí lực lượng thường trực để khơi thông hố ga, cửa ghi, cửa thu, cửa xả, vận hành tối đa công suất các trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột để tiêu thoát nước nhanh nhất có thể, không để ngập úng cục bộ kéo dài trên các tuyến phố…
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số điểm thiệt hại trên địa bàn các phường, xã, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh ghi nhận, biểu dương nỗ lực của thành phố Nam Định đã kịp thời khắc phục tối đa thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Thành ủy, UBND thành phố Nam Định tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị tại chỗ để khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3: nhanh chóng cắt tỉa, thu dọn các cây xanh, cột điện bị gãy đổ để giải tỏa giao thông trên các tuyến đường, phố; bố trí lực lượng thường trực để xử lý tình trạng ngập úng cục bộ tại các khu vực trọng điểm; chú trọng công tác vệ sinh môi trường; bố trí lực lượng và chỉ đạo các xã, phường huy động cán bộ, nhân dân tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão số 3; tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết sau bão số 3, nhất là tình hình mưa lớn kéo dài để kịp thời có biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; quan tâm làm tốt việc dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh, xử lý môi trường để nhân dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Thiệt hại khoảng 5.000ha lúa, 230ha hoa màu
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ngày 7.9 trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa lớn, lượng mưa đo được khoảng trên 100 mm; sức gió cấp 8, có nơi giật cấp 10. Đến nay, về thiệt hại ban đầu, tỉnh không bị thiệt hại về người; khoảng 5.000ha lúa, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu, 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. 2 công trình nhà văn hoá bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 8 đến 9.9, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm; nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương.