Tại Quyết định 1252/QĐ-UBND, ngày 29.2.2024 của UBND huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đặt ra mục tiêu đưa nơi đây trở thành một trong những "Điểm đến du lịch hấp dẫn - thân thiện - chất lượng" của tỉnh và khu vực. Cùng với đó là quan điểm phát triển du lịch bền vững, lấy tăng trưởng xanh làm phương thức phát triển, tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
Đến với vùng quê ven biển này, du khách không thể bỏ qua mô hình du lịch nông thôn như: Xóm văn hóa kiểu mẫu tiêu biểu; vườn mẫu, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch tại xã Hải Lộc, Hải Quang hay các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gồm có: Rượu nấm linh chi, nấm bào ngư, trà dây thìa canh…
Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng Ecohost ở thị trấn Yên Định đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Ban đầu nơi đây chỉ là homestay nghỉ dưỡng, nhưng theo thời gian với nhu cầu của khách hàng, mô hình này đã phát triển và được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 5 sao của tỉnh Nam Định.
Với diện tích khoảng 1.000m2, gồm 3 khu nhà 3 gian cổ, lối kiến trúc Pháp cổ kính, nội thất xây hoàn toàn bằng gỗ mang đến cảm giác vừa sang trọng vừa hoài niệm. Không gian mở, thoáng mát với vườn cây ăn quả, cây cảnh quý, du khách có thể vừa thưởng trà theo phong cách dân dã vừa tận hưởng không khí trong lành của làng quê.
Ecohost không chỉ là nơi nghỉ ngơi thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng mà còn mang đến cho khách du lịch cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống qua các hoạt động như đạp xe thăm thú cảnh nông thôn, tìm hiểu đời sống văn hóa bản địa, tham quan Ngôi nhà di sản, nơi trưng bày sách, tranh ảnh về nguồn gốc lịch sử, văn hóa của Hải Hậu.
Bên cạnh đó còn các địa chỉ như làng nghề kèn đồng Phạm Pháo xã Hải Minh, khách du lịch không khỏi bất ngờ khi chứng kiến nơi sản xuất và sửa chữa kèn đồng (kèn Tây) đòi hỏi kỹ thuật cơ khí chính xác, lại được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công mà không sử dụng các loại máy móc hiện đại duy nhất trên cả nước.
Với 32km bờ biển dài, ngoài bãi tắm truyền thống lâu năm Thịnh Long, Hải Hậu còn có nhiều vị trí bãi có tiềm năng khai thác du lịch tắm biển với bãi cát mịn, dài, xung quanh có những làng chài với các hoạt động lao động sản xuất đặc trưng như: đan lưới, đánh bắt hải sản gần bờ.
Phát triển du lịch xanh trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, không chỉ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện mà còn mang đến cho người dân nguồn thu nhập ổn định đến từ việc làm hướng dẫn viên, cho thuê nhà làm homestay, quảng bá và tiêu thụ những món đồ lưu niệm là sản phẩm thủ công do chính người dân địa phương sản xuất… Đặc biệt, mô hình du lịch xanh cũng đã thu hút rất nhiều khách nước ngoài.
Theo UBND huyện Hải Hậu, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, thu hút 200 nghìn lượt khách du lịch (trong đó khách lưu trú đạt 50 nghìn lượt), tổng thu từ du lịch ước tính khoảng 95 tỷ đồng. Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Hải Hậu cần tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động du lịch giữa các ngành và các địa phương của tỉnh, trong vùng và quốc tế.
Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, tạo ưu thế nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoàn thiện công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tổ chức quảng bá hình ảnh du lịch Hải Hậu bằng nhiều kênh, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội.