Nam Định: Phát triển bền vững sản phẩm OCOP
Với cách làm bài bản, sáng tạo và phù hợp thực tiễn, OCOP không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà phát triển bền vững cho nhiều vùng nông thôn của tỉnh Nam Định; nhằm tiếp tục phát huy lợi thế này, thời gian qua, tỉnh Nam Định chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các địa phương.
Nhiều mô hình hiệu quả
Với cách làm bài bản, sáng tạo và phù hợp thực tiễn, OCOP không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà phát triển bền vững cho nhiều vùng nông thôn của tỉnh Nam Định.
Xác định rõ vai trò chiến lược của chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 25/10/2022 để triển khai chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Việc tổ chức được thực hiện một cách có hệ thống, từ kiện toàn bộ máy chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách đến hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP và xúc tiến thương mại.

Sở Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, các đơn vị này cũng tích cực đưa sản phẩm lên nền tảng số như Zoom, Zalo, Facebook, góp phần quảng bá sâu rộng đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ ngành nông nghiệp, các sở ngành khác cũng tích cực vào cuộc. Sở Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại qua các hội chợ, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản. Báo Nam Định và các cơ quan truyền thông địa phương cũng tích cực tuyên truyền, lan tỏa những mô hình làm OCOP hiệu quả.
Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh Nam Định có 529 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 65 sản phẩm đạt 4 sao và 460 sản phẩm 3 sao.
Tất cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh đều có sản phẩm OCOP; huyện Hải Hậu dẫn đầu với 123 sản phẩm, tiếp đến là Giao Thủy với 121 sản phẩm; về cơ cấu ngành hàng, 486 sản phẩm thuộc lĩnh vực thực phẩm, chiếm tỷ lệ áp đảo; còn lại là đồ uống (25), sinh vật cảnh (9), thủ công mỹ nghệ (5), du lịch nông thôn (3) và may mặc (1). Toàn tỉnh hiện có 270 cơ sở sản xuất tham gia OCOP, gồm: 65 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, 60 hợp tác xã, 145 hộ kinh doanh cá thể.
Sự đa dạng về chủ thể và ngành hàng cho thấy, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ đến tận các thôn, xã, làng nghề truyền thống, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân nông thôn.
Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản phẩm
Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, UBND tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới: tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các điểm bán OCOP trên cả nước; ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường online; tập trung truyền thông sâu rộng, giúp người dân và các chủ thể hiểu đúng, đủ về OCOP; đầu tư nâng cấp bao bì, nhãn hiệu, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho từng địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang rà soát và điều chỉnh chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho các cơ sở OCOP, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ. Các sở, ngành sẽ tiếp tục tư vấn để chủ thể hiểu rõ xu hướng thị trường, cải tiến sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, kinh doanh có vai trò quan trọng, cấp thiết trong chuyển dịch, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP địa phương. Những năm qua, tỉnh tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất, phát triển sản phẩm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hướng bảo đảm đầu ra các sản phẩm, nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị.
Xuất phát từ những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.
Hợp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (huyện Giao Thủy) chuyên sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trong nhà màng, nhà lưới trên diện tích hơn 3.000m2 theo quy trình VietGAP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt, lắp đặt các thiết bị điều chỉnh độ ẩm trong nhà nấm… nên cây nấm sinh trưởng và phát triển ổn định, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Những năm trở lại đây, một số cơ sở sản xuất dầu lạc, dầu vừng trên địa bàn xã Yên Cường, huyện Ý Yên đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào quy trình sản xuất, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Cơ sở đã đầu tư dây chuyền ép lọc cơ học khép kín, tiên tiến nhất hiện nay gồm: máy ép lọc, máy chiết xuất, đóng chai... tạo ra sản phẩm dầu ăn nguyên chất từ lạc, vừng giàu dinh dưỡng, đậm đặc, không chất bảo quản, không hóa chất phụ gia và đặc biệt giữ lại được tất cả các dưỡng chất, vitamin tự nhiên. Tham gia chương trình OCOP, cơ sở còn quan tâm cải thiện mẫu mã, quy cách đóng chai, nhãn mác thể hiện đầy đủ rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ.
Xác định công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP là nhiệm vụ quan trọng, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng.
Ngoài việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành phố, các sở, ngành chức năng đã chú trọng tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến (online). Hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn.
Phối hợp tổ chức ngày hội bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với chủ đề "Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP"; chương trình livestream "Chợ phiên OCOP tỉnh Nam Định" tại fanpage "Sản phẩm OCOP Nam Định" trên nền tảng mạng xã hội Facebook…