Nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt kết quả tốt

Khải Minh 18/02/2023 06:35

Học sinh lớp 12 đang “chạy đua” cho kỳ xét tuyển đại học sắp tới. Bên cạnh ôn thi tốt nghiệp, nhiều em còn chuẩn bị tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy do một số trường đại học tổ chức.

Đại diện các trường khẳng định, nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt kết quả cao trong các kỳ thi đánh giá năng lực.

Giúp học trò hiểu về cấu trúc, dạng đề

Em Nguyễn Bảo Ngọc, Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Hưng Đạo, Hà Nội cho biết, thời gian này, ngoài tập trung ôn thi tốt nghiệp, em còn ôn thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS vì nhiều trường đại học cho phép thí sinh quy đổi điểm IELTS để xét tuyển. Chứng chỉ IELTS điểm càng cao, điểm quy đổi tiếng Anh càng nhiều.

Như vậy, tổng điểm xét tuyển đại học của em sẽ cao hơn, cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn. Tương tự, để có cơ hội trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, em Nguyễn Minh Ngọc, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) dành thêm thời gian tìm hiểu quy định, ôn tập theo cấu trúc đề thi đánh giá tư duy của trường Đại học Sư phạm năm vừa qua.

,Tham gia quá nhiều kỳ thi, thí sinh có thể biến cơ hội thành thách thức
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2022. Ảnh: Phi Hùng

Tuy vậy, mỗi kỳ thi có nội dung, cấu trúc, tiêu chí khác nhau. Do đó, nhiều nhà trường, thầy cô giáo đã nỗ lực đồng hành để giảm áp lực với những em có ý định tham gia thêm kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học.

Gần như 100% học sinh của Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đăng ký tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Do đó, từ sớm, nhà trường đã lên kế hoạch triển khai thông tin kỳ thi đến các tổ chuyên môn, định hướng cho các em tự học, tìm hiểu về cấu trúc, dạng đề kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

“Nhà trường không tổ chức ôn tập thi đánh giá năng lực cho học sinh, chỉ thông báo, định hướng cho các em tự học, tìm hiểu. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập, các thầy cô giáo cũng củng cố, mở rộng kiến thức để các em học thật chắc, thật kỹ, thật rộng, từ đó có kiến thức, năng lực suy luận làm bài tốt, chứ không phải ôn luyện theo “chiêu trò” hay học tủ, học vẹt”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân Nguyễn Hùng Khương chia sẻ.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy môn Sinh học ở Hà Nội cho biết, thực tế, các kỳ thi có kiến thức rộng và đa dạng nhưng chủ yếu là kết hợp kiến thức trong sách giáo khoa và thông tin thực tiễn. Do đó, giáo viên nên liên tục cập nhật những thay đổi, kết hợp nhiều phương pháp dạy thì học sinh sẽ tiếp cận xu hướng mới, bám sát yêu cầu của nhiều dạng đề khác nhau.

Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông 

Để giảm áp lực cho thí sinh, các trường đại học cũng khẳng định, thí sinh không cần ôn tập hay luyện thi thêm bất cứ nội dung gì. Nội dung thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Năm nay, trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. TS. Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu cho biết, trường tổ chức 7 môn thi độc lập gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Với định dạng tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% thuộc lớp 10, 11. Do đó, thí sinh không cần ôn tập hay luyện thi thêm bất cứ nội dung gì.

GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, thí sinh cần có một kế hoạch học tập nghiêm túc, nghiêm chỉnh và nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình THPT là hoàn toàn đạt kết quả cao.

Cùng với đó, GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo cũng gợi ý và lấy ví dụ, các tư liệu Đại học Quốc gia Hà Nội có thể lấy bên ngoài, các kiến thức, văn chương, văn học, tất cả những tác phẩm tồn tại ở Việt Nam hoặc là tác phẩm văn học nước ngoài, đều có thể đưa vào ngữ liệu đề thi. Tuy nhiên, sẽ theo hướng đánh giá tư duy ngôn ngữ của thí sinh trong khi xử lý vấn đề.

Tương tự, theo TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được xây dựng theo định hướng đánh giá khả năng suy luận, tổng hợp, phân tích. Do đó, các thí sinh luyện thi theo dạng học thuộc, học tủ sẽ khó đạt kết quả tốt. Cách luyện thi tốt nhất là học đều, học rộng, học có phương pháp.

“Thí sinh cần hiểu rõ các khái niệm, nguyên lý, hệ thống hóa được kiến thức, hiểu được mối liên hệ giữa các số liệu, dữ kiện từ đó xác định quy luật và phương án giải quyết vấn đề. Bài thi đánh giá năng lực cung cấp nhiều dữ kiện và yêu cầu thí sinh sử dụng các số liệu này để giải quyết những vấn đề cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Thí sinh có khả năng đọc hiểu, tổng hợp và phân tích tốt sẽ có nhiều cơ hội đạt điểm cao. Đa số các thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đều học nhẹ nhàng, không học tủ, học lệch”, TS. Nguyễn Quốc Chính chia sẻ.

Không nên tham gia quá nhiều kỳ thi

Hiện tại đã có 9 trường đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào chưa kể các kỳ thi năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật, báo chí... Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc tổ chức các kỳ thi khác ngoài thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh không cần tham gia nhiều kỳ thi khác nhau để xét tuyển đại học; chỉ cần xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp và điểm của 1 kỳ thi riêng là đủ.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt kết quả tốt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO