- Chỉ thực hiện được 1% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng năm 2023, FECON có lặp lại kịch bản như năm 2022?
- Sau hai quý thua lỗ và ‘lãi mỏng’, FECON dời ngày trả cổ tức 2022 sang năm 2024
- FECON: Lợi nhuận liên tục suy giảm, dòng tiền kinh doanh âm vẫn trúng thầu nhiều dự án mới
- FECON: Đặt mục tiêu kinh doanh “quá sức”, chỉ hoàn thành 18% kế hoạch lợi nhuận
- Lợi nhuận suy giảm liên tiếp trong 4 năm, FECON vẫn muốn “chạy đua” vào bất động sản
- FECON: Báo lỗ quý 1, dòng tiền kinh doanh âm, liệu đủ sức thực hiện hàng loạt gói thầu 'khủng'?
Cáo bạch tài chính quý cuối năm 2023 thể hiện, Công ty CP FECON (mã chứng khoán: FCN) có doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ, lên hơn 1.049 tỷ đồng. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành xây dựng này tăng mạnh 161% so với cùng kỳ năm trước, lên 157 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của FECON chỉ vỏn vẹn 0,26 tỷ đồng trong khi chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh 41%, lên gần 102 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi vay lên gần 80 tỷ đồng, tương đương với tăng 36% so với cùng kỳ.
Mặc dù các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ này đều được doanh nghiệp cắt giảm lần lượt là 14% và 4% so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn báo lỗ sau thuế gần 45 tỷ đồng.
Phía FCN cho biết, nguyên nhân lỗ chủ yếu đến từ việc doanh thu tài chính sụt giảm mạnh do không còn ghi nhận khoản doanh thu từ bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng mạnh do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của FCN đạt hơn 2.879 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 42 tỷ đồng, năm trước lãi gần 52 tỷ đồng. Đây cũng là năm kinh doanh thua lỗ đầu tiên của doanh nghiệp ngành xây dựng này kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2012.
Về tình hình tài chính, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp ở mức hơn 8.773 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hồi đầu năm. Về chất lượng tài sản, tiền và các khoản tương đương tiền của FCN ghi nhận hơn 700 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần hồi đầu năm. Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của FCN ghi nhận hơn 5.413 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với đầu năm, trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 4.390 tỷ đồng. Biến động lớn nhất trong tổng nợ của doanh nghiệp là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn ghi nhận tăng thêm gần 870 tỷ đồng, lên mức 1.154 tỷ đồng, tuy nhiên, không được doanh nghiệp thuyết minh cụ thể.
Nhìn lại năm 2023 của FECON có thể thấy là một năm vô cùng “ảm đạm”, ông lớn xây dựng này khởi đầu năm 2023 với lợi nhuận tụt dốc trong quý 1.2023 khi chỉ lãi 2,8 tỷ đồng. Quý 2.2023, doanh nghiệp thảm hại hơn khi báo lỗ 1,4 tỷ đồng và chỉ “lãi cho có” hơn 200 triệu đồng trong quý 3.2023.
Có thể thấy, doanh nghiệp do ông Phạm Việt Khoa làm Chủ tịch đang có dấu hiệu xuống sức rõ rệt. Vào tháng 10.2023, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FECON Phạm Việt Khoa từng thế chấp cổ phần tại FECON để huy động 150 tỷ đồng trái phiếu.
Theo đó, FECON phê duyệt phương án phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu trong đợt 1. Công ty cũng phê duyệt sử dụng tài sản đảm bảo để phát hành trái phiếu gồm: 1,5 triệu cổ phần do Chủ tịch Phạm Việt Khoa sở hữu tại FECON; 10,2 triệu cổ phiếu do FCN sở hữu tại CTCP FECON South (FCS); 10 triệu cổ phần mà FCN sở hữu tại CTCP Năng lượng FECON (FCP), 15,6 triệu cổ phần do FCN sở hữu tại CTCP Công trình ngầm FECON Raito (FRU) và 7 triệu cổ phần do FCN sở hữu tại CTCP Đầu tư FECON (FCI).