Điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu
Theo số liệu thống kê từ Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước; trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.
Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, do lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước đã khiến kết quả xuất khẩu sụt giảm. Cụ thể, tính đến hết tháng 11.2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,27 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022. Cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, giảm 17% so với năm 2022. Trong đó, tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD...
Các thị trường chính như Mỹ ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất với 32%; Trung Quốc giảm 15%; Nhật Bản, Hàn Quốc, EU giảm từ 10 - 20%. Một vài thị trường mới nổi có sự tăng trưởng tuy nhiên đóng góp là không đáng kể. Chính sự sụt giảm này đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Vì thành quả năm 2023 chỉ bằng 85 - 90% so với năm 2022 nên Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 1.030 tỷ đồng, về 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 100 tỷ đồng, về 300 tỷ đồng. Với diễn biến thị trường hiện nay, ngành tôm cũng chỉ giữ mức chỉ tiêu giảm này cho năm 2024.
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2024 chỉ đạt 9,5 tỷ USD (năm 2023 mục tiêu đạt 10 tỷ USD); tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu héc ta.
Nhiều thách thức trong năm 2024
Lý giải về nguyên nhân điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, đại diện Cục Thủy sản cho biết, 2024 là năm có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu, bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho bảo đảm chất lượng.
Cũng theo Giám đốc Truyền thông VASEP Lê Hằng, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga - Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Hệ lụy là chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024. Chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024.
Về thị trường, hiện Mỹ hồi phục chậm và xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Do đó, xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD). Trung Quốc nhu cầu phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp và khó cạnh tranh.
Bên cạnh đó, chi phí thức ăn là thách thức lớn cho cả ngành nuôi tôm và cá tra. Tôm tiếp tục chịu sự cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm (sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn). Về cá tra, tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu vẫn sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.
Đặc biệt, nếu không tháo gỡ được thẻ vàng trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và kết cấu hạ tầng không đáp ứng…
Trước những thách thức như vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Thủy sản tiếp tục bám sát chặt chẽ tình hình thị trường, sản xuất an toàn thực phẩm, sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Thực hiện truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết chống IUU...
Quán triệt tinh thần chỉ đạo, năm 2024, Cục Thủy sản tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017, các nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện chủ trương Chiến lược đề ra là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản. Phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản, tăng cường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang; trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và bảo đảm an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy. Trong vấn đề giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.